Thứ năm, Ngày 2 Tháng 5 Năm 2024

Tin chuyên ngành

Gửi Email In trang Lưu
TÌNH HÌNH BIẾT ĐỌC, BIẾT VIẾT CHỮ PHỔ THÔNG VÀ BIẾT ĐỌC, BIẾT VIẾT CHỮ DÂN TỘC MÌNH CỦA NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ TỪ 15 TUỔI TRỞ LÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG QUA KẾT QUẢ ĐIỀU TRA THỰC TRẠNG KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA 53 DÂN TỘC THIỂU SỐ 2019

19/02/2021 10:56

Theo quy định của cuộc Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 thì:

(1) Biết đọc biết viết chữ phổ thông: Là khả năng đọc và viết được một đoạn văn đơn giản bằng tiếng phổ thông (tiếng Kinh) trong sinh hoạt hàng ngày;

(2) Biết đọc biết viết chữ của dân tộc mình: Là khả năng đọc và viết được một đoạn văn đơn giản trong sinh hoạt hàng ngày bằng tiếng dân tộc mình.

Trên cơ sở kết quả Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 do Trung ương công bố, dưới đây sẽ phân tích, so sánh và đánh giá cụ thể về tình hình hình biết đọc, biết viết chữ phổ thông; biết đọc, biết viết chữ của dân tộc mình của người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

1. Tình hình biết đọc, biết viết chữ phổ thông của người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên

Tại thời điểm 01/10/2019, toàn tỉnh có 69,0% số người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông; thấp hơn hai mươi điểm phần trăm so với mức chung của toàn quốc; thấp hơn 3,6 điểm phần trăm so với mức chung của các tỉnh vùng biến giới; thấp hơn 12,7 điểm phần trăm so với các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc.

Tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông có sự chênh lệch rõ rệt theo giới tính và khu vực thành thị với nông thôn. Tỷ lệ này của nam giới là 77,9%; trong khi đó nữ giới là 59,9%, thấp hơn so với nam giới 18 điểm phần trăm. Khu vực thành thị tỷ lệ này là 86%; trong khi đó khu vực nông thôn chỉ có 67,5%, thấp hơn so với khu vực thành thị 18,5 điểm phần trăm.

Nghiên cứu theo đơn vị hành chính cấp huyện, thành phố thì thành phố Hà Giang có tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông cao nhất, đạt 93,3 điểm phần trăm; tiếp đến là các huyện: Bắc Quang (90,3 điểm phần trăm), Quang Bình (81,2 điểm phần trăm), Vị Xuyên (78,6 điểm phần trăm), Quản Bạ (73,4 điểm phần trăm), Bắc Mê (70,1 điểm phần trăm), Hoàng Su Phì (63,4 điểm phần trăm), Xín Mần (61,1 điểm phần trăm), Mèo Vạc (56,3 điểm phần trăm), Yên Minh (55,5 điểm phần trăm); và thấp nhất là huyện Đồng Văn, tỷ lệ này chỉ đạt 46,2 điểm phần trăm, thấp hơn so với thành phố Hà Giang 47,1 điểm phần trăm. Sở dĩ thành phố Hà Giang có tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông bởi đây là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh nên có mặt bằng trình độ dân trí cao hơn so với các huyện khác. Mặt khác, do yêu cầu của công việc, nhất là các công việc trong khu vực nhà nước, doanh nghiệp, … nên yêu cầu người dân tộc thiểu số muốn làm việc tại thành phố thường phải có trình độ học vấn nhất định mới đáp ứng được.

Hầu hết đối với các huyện, thành phố, tỷ lệ này đều có sự chênh lệch khá lớn giữa nam giới và nữ giới, tỷ lệ này của nam giới cao hơn nữ giới giao động trong khoảng từ 4 đến 28 điểm phần trăm.

 Biểu 1: Tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông, thời điểm 01/10/2019 tỉnh Hà Giang chia theo đơn vị hành chính cấp huyện/thành phố và giới tính


Hình 1: Tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông, thời điểm 01/10/2019 tỉnh Hà Giang chia theo đơn vị hành chính cấp huyện/thành phố và giới tính 

Nghiên cứu theo từng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh cho thấy, dân tộc Mông có tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông thấp nhất là 50,2 điểm phần trăm. Điều này cũng góp phần lý giải tại sao các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh có tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông đạt thấp, bởi các huyện này là địa bàn sinh sống chủ yếu của dân tộc Mông.

Tỷ lệ này của dân tộc Tày đạt 91,5 điểm phần trăm; dân tộc Giao đạt 67,7 điểm phần trăm; dân tộc Hoa đạt 81 điểm phần trăm; dân tộc Nùng đạt 67,5 điểm phần trăm; dân tộc Giáy đạt 78,8 điểm phần trăm; dân tộc La Chí đạt 64,3 điểm phần trăm; dân tộc Lô Lô đạt 69,4 điểm phần trăm; dân tộc Cơ Lao đạt 55,6 điểm phần trăm;…. 

So sánh với tỷ lệ dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông của mức chung toàn quốc thì hầu hết tỷ lệ này của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang đều thấp hơn, trong đó những dân tộc có số dân tương đối đông lại có tỷ lệ này thấp hơn khá nhiều như: Tày thấp hơn 2,9 điểm phần trăm; Nùng thấp hơn 22,5 điểm phần trăm; Hoa thấp hơn 10 điểm phần trăm; Dao thấp hơn 6,1 điểm phần trăm…Bên cạnh đó, cũng có một số dân tộc thiểu số tỷ lệ này cao hơn so với mức chung của toàn quốc như: Sán Chay cao hơn 9,4 điểm phần trăm; Phù Lá cao hơn 16,4 điểm phần trăm; Lô Lô cao hơn 13,4 điểm phần trăm; Bố Y cao hơn 12,5 điểm phần trăm; ….Chi tiết tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên của từng dân tộc có thể quan sát trong Biểu 2 dưới đây.

Biểu 2: Tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông, thời điểm 01/10/2019 toàn quốc và tỉnh Hà Giang chia theo dân tộc và giới tính 

2. Tình hình biết đọc, biết viết chữ của dân tộc mình của người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên

Kết quả điều tra cho thấy, đối với 32 dân tộc thiểu số có chữ viết riêng gồm: Tày, Thái, Hoa, Khmer, Mường, Nùng, Mông, Dao, Gia Rai, Ngái, Ê Đê, Ba Na, Xơ Đăng, Sán Chay, Cơ Ho, Chăm, Sán Rìu, Hrê, Mơ nông, Raglay, Xtiêng, Bru Vân Kiều, Cơ Tu, Gié Triêng, Mạ, Co, Tà Ôi, Chơ Ro, Chơ Ru, Lào, Lự, Lô Lô thì tỷ lệ biết đọc, biết viết chữ của dân tộc mình của người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trên địa bàn tỉnh Hà Giang là 10,6 điểm phần trăm. So với tỷ lệ này của toàn quốc thì của Hà Giang thấp hơn 5,3 điểm phần trăm (10,6% so với 15,9%); so với vùng biên giới thấp hơn 2,3 điểm phần trăm (10,6% so với 12,9%); so với vùng Trung du và miền núi phía Bắc thấp hơn 1,7 điểm phần trăm (10,6 so với 12,3%).

Tỷ lệ biết đọc, biết viết chữ của dân tộc mình của người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh Hà Giang của nam giới cao hơn nữ giới 3,3 điểm phần trăm (12,3% so với 8,8%); khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn 1,8 điểm phần trăm (9% so với 10,8%). Sở dĩ tỷ lệ này ở khu vực thành thị thấp hơn so với khu vực nông thôn có thể do một số trẻ em người dân tộc thiểu số sinh ra và lớn lên ở khu vực thành thị được học chữ viết phổ thông từ nhỏ và ít có điều kiện tiếp xúc, sử dụng đọc và viết chữ dân tộc của mình, chủ yếu là số người lớn đã sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn sau đó di chuyển đến sinh sống và làm việc ở khu vực thành thị biết đọc, biết viết chữ dân tộc của mình.

Đối với tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông thì thành phố Hà Giang có tỷ lệ đạt mức cao nhất, nhưng đối với tỷ lệ biết đọc, biết viết chữ của dân tộc mình của người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trên thì thành phố Hà Giang lại đạt tỷ lệ thấp nhất, chỉ đạt mức 0,9 điểm phần trăm. Huyện Quang Bình là đơn vị hành chính có tỷ lệ này đạt mức cao nhất là 24,8 điểm phần trăm; tiếp theo là các huyện: Bắc Mê (15,7%); Bắc Quang (15,1%); Vị Xuyên (13,6%); Xín Mần (13,0%); Hoàng Su Phì (8,7%); Yên Minh (8,5%); Mèo Vạc (4,3%); Đồng Văn (3,7%); Quản Bạ (2,5%).

Ở hầu hết các đơn vị hành chính cấp huyện, thành phố thì tỷ lệ biết đọc, biết viết chữ của dân tộc mình của người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên của nam giới đều cao hơn nữ giới, mức chênh lệch giao động từ 0,5 điểm phần trăm đến 6 điểm phần trăm.

Biểu 3: Tỷ lệ biết đọc, biết viết chữ của dân tộc mình của người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên thời điểm 01/10/2019 tỉnh Hà Giang chia theo đơn vị hành chính cấp huyện/thành phố và giới tính 

Xét theo từng dân tộc cho thấy, tỷ lệ biết đọc, biết viết chữ của dân tộc mình của người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên của dân tộc Tày đạt cao nhất là 20,7 điểm phần trăm; tiếp đến là các dân tộc: Ngái (13,6%); Sán Chay (12,6%); Mường (8,9%); Dao (6,7%); Mông (6,2%); Nùng (6,0%); Thái (5,6%); Hoa (3,6%); và thấp nhất là dân tộc Lô Lô, tỷ lệ này chỉ có 0,8 điểm phần trăm, thấp hơn so với dân tộc Hoa 19,9 điểm phần trăm.

So với các dân tộc thiểu số trong cả nước thì trên địa bàn tỉnh Hà Giang có 5 dân tộc có tỷ lệ biết đọc, biết viết chữ của dân tộc mình của người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên ở mức cao hơn, đó là: Tày cao hơn 0,2 điểm phần trăm; Thái cao hơn 1,3 điểm phần trăm; Mường cao hơn 3,1 điểm phần trăm; Ngái cao hơn 10,5 điểm phần trăm; Sán Chay cao hơn 5,5 điểm phần trăm. Và có 5 dân tộc có tỷ lệ biết đọc, biết viết chữ của dân tộc mình của người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên ở mức thấp hơn đó là: Hoa thấp hơn 27,8 điểm phần trăm; Nùng thấp hơn 8,3 điểm phần trăm; Mông thấp hơn 12,9 điểm phần trăm; Dao thấp hơn 1,1 điểm phần trăm; Lô Lô thấp hơn 0,5 điểm phần trăm.

 Biểu 4: Tỷ lệ biết đọc, biết viết chữ của dân tộc mình của người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên thời điểm 01/10/2019 toàn quốc và Hà Giang chia theo dân tộc và giới tính 

Hình 2: Tỷ lệ biết đọc, biết viết chữ của dân tộc mình của người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên thời điểm 01/10/2019 toàn quốc và Hà Giang chia theo dân tộc

Nhìn chung, kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông; tỷ lệ biết đọc, biết viết chữ của dân tộc mình của người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh Hà Giang đang ở mức thấp hơn so với mức chung của toàn quốc và của vùng Trung du miền núi phía Bắc. Để đạt được mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết 88/2019/QH14 đã phê duyệt ngày 8/11/2019, đối với tỉnh Hà Giang đòi hỏi các ngành, các cấp không chỉ tập trung phát triển kinh tế mà trước hết cần tập trung phát triển giáo dục nói chung, đặc biệt là việc nâng cao trình độ dân trí, nâng cao tỷ lệ biết đọc, biết viết cho các dân tộc thiểu số, qua đó giúp các dân tộc thiểu số tiếp thu các kiến thức về khoa học, kĩ thuật để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống.

Tăng Bá Tuyên

Tin khác

TỐC ĐỘ TĂNG VÀ SỰ ĐÓNG GÓP CỦA CÁC NGUỒN THU VÀO TỐC ĐỘ TĂNG THU NHẬP BÌNH QUÂN ĐẦU NGƯỜI (1 THÁNG) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2004 - 2018 QUA KẾT QUẢ KHẢO SÁT MỨC SỐNG HỘ GIA ĐÌNH (22/01/2021 09:51)

Tin giá và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 năm 2020 (19/01/2021 08:59)

Tin giá và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 năm 2020 (14/12/2020 08:41)

Công tác thành lập Ban chỉ đạo, Tổ thường trực giúp việc chuẩn bị cho Tổng điều tra kinh tế năm 2021 trên địa bàn tỉnh Hà Giang (02/12/2020 07:53)

THỰC TRẠNG TẢO HÔN VÀ HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG QUA KẾT QUẢ ĐIỀU TRA THỰC TRẠNG KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA 53 DÂN TỘC THIỂU SỐ NĂM 2019 (26/11/2020 14:02)

Tin giá và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 năm 2020 (01/11/2020 10:14)

PHÂN TÍCH SỰ ĐÓNG GÓP CỦA CÁC KHU VỰC KINH TẾ, THUẾ SẢN PHẨM VÀ TRỢ CẤP VÀO TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG TỔNG SẢN PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG (GRDP) GIAI ĐOẠN 2011 - 2019 (12/10/2020 15:51)

ĐIỀU KIỆN Ở VÀ SINH HOẠT CỦA CÁC HỘ DÂN CƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG QUA KẾT QUẢ TỔNG ĐIỀU TRA DÂN SỐ VÀ NHÀ Ở NĂM 2019 (08/10/2020 11:01)

Tin giá và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 năm 2020 (29/09/2020 15:25)

HIỆU QUẢ VỐN ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2011 - 2019 (14/09/2020 10:43)