Thứ bảy, Ngày 27 Tháng 4 Năm 2024

Tin chuyên ngành

Gửi Email In trang Lưu
ĐIỀU KIỆN Ở VÀ SINH HOẠT CỦA CÁC HỘ DÂN CƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG QUA KẾT QUẢ TỔNG ĐIỀU TRA DÂN SỐ VÀ NHÀ Ở NĂM 2019

08/10/2020 11:01

Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, cùng với các cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở trước đây, ngoài việc thu thập thông tin về dân số còn thu thập những thông tin cơ bản để phục vụ đánh giá về nhà ở và điều kiện sinh hoạt của các hộ dân cư.

Các thông tin liên quan đến nhà ở và điều kiện sinh hoạt của hộ dân cư trên phiếu điều tra bao gồm: tình trạng hộ có hay không có nhà ở; tổng diện tích sử dụng; loại nhà mà hộ dùng để ở; loại nhiên liệu chính dùng để thắp sáng, nấu ăn; nguồn nước chính hộ sử dụng để uống; loại hố xí hộ sử dụng; và các tiện nghi sinh hoạt cơ bản của hộ, được điều tra viên kết hợp giữa quan sát với phỏng vấn người cung cấp thông trực tiếp để xác định.

1. Nhà ở của các hộ dân cư

Nhà ở của các hộ dân cư được phản ánh trong Tổng điều tra Dân số và Nhà ở qua các chỉ tiêu như: sở hữu về nhà ở, loại nhà, diện tích nhà ở bình quân đầu người, …

1.1 Tình trạng sở hữu nhà ở

Đa số các hộ dân cư trên địa bàn tỉnh Hà Giang đều có nhà ở/căn hộ thuộc quyền sở hữu riêng của hộ. Tình trạng thuê/mượn nhà ở trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng giảm, đặc biệt giảm mạnh ở khu vực thành thị.

Tỷ lệ hộ hiện sống trong ngôi nhà/căn hộ thuộc quyền sở hữu riêng của hộ là 96,1%, tỷ lệ này ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị 8,5 điểm phần trăm (tương ứng 97,8% và 89,3%).

Hiện có 2,6% hộ dân cư đang ở trong các ngôi nhà/căn hộ đi thuê/mượn, giảm 1,7 điểm phần trăm so với năm 2009 (năm 2009 là 4,26%). Tỷ lệ hộ sống trong những ngôi nhà thuê/mượn ở khu vực thành thị cao gấp gần 9,1 lần so với khu vực nông thôn. Nếu so với năm 2009, tỷ lệ hộ dân cư ở khu vực thành thị sống trong các ngôi nhà/căn hộ đi thuê/mượn đã giảm tương đối nhiều, khoảng 3,4 điểm phần trăm (12,5% so với 9,1%); trong khi đó khu vực nông thôn, tỷ lệ này giảm chậm hơn, khoảng 1,7 điểm phần trăm (2,65% so với 1,0%).

Thành phố Hà Giang là đơn vị hành chính có tỷ lệ hộ dân cư đang ở trong các ngôi nhà/căn hộ thuê mượn cao nhất là 10,4%; các huyện còn lại tỷ lệ này không vượt quá mức 4%, giao động từ 0,8% đến 3,6%. Sở dĩ thành phố Hà Giang có tỷ lệ hộ sống trong những ngôi nhà/căn hộ thuê/mượn cao nhất bởi đây là Trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh do đó tập trung nhiều lực lượng lao động đến làm việc, buôn bán, sinh sống nên nhu cầu thuê, mượn nhà cao.

Biểu 1: Tỷ lệ hộ có nhà ở theo hình thức sở hữu, thành thị, nông thôn và đơn vị hành chính cấp huyện/thành phố

Đơn vị tính: %

 Hình 1: Tỷ lệ hộ ở nhà thuê/mượn, 2009 - 2019

Đơn vị: %

1.2 Phân loại nhà ở

Sau 10 năm, số hộ dân cư trên địa bàn tỉnh Hà Giang có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố tăng lên rõ rệt và ngược lại, tỷ lệ hộ dân cư sống trong những ngôi nhà/căn hộ thiếu kiên cố/đơn sơ đã giảm mạnh.

Tại thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019, đa số các hộ dân cư trên địa bàn tỉnh đều có nhà ở. Toàn tỉnh chỉ có 4 hộ không có nhà ở, chiếm 0,21 phần mười nghìn tổng số hộ, thấp hơn so 0,26 phần mười nghìn so với con số này của cả nước, giảm 0,39 phần mười nghìn so với Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 (0,21 phần mười nghìn so với 0,6 phần mười nghìn). Trong 4 hộ không có nhà ở có: 01 hộ thuộc địa bàn huyện Quản Bạ, 03 hộ thuộc địa bàn huyện Xín Mần; 01 hộ thuộc khu vực thành thị, 03 hộ thuộc khu vực nông thôn; và hiện các hộ này đang sống tại gầm cầu, hang hốc. 

Nhằm đánh giá chất lượng nhà ở của các hộ dân cư, phiếu Tổng điều tra năm 2019 được thiết kế để thu thập thông tin về kết cấu vật liệu chính cấu thành nhà ở như cột, mái và tường. Biểu 2 trình bày phương pháp phân loại nhà ở dựa vào các vật liệu chính làm nhà trong Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019.

Biểu 2: Phương pháp phân loại nhà ở dựa vào vật liệu chính làm nhà trong Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019

Phân loại chất lượng nhà ở của hộ dân cư dựa trên thông tin về vật liệu chính của ba bộ phận cấu thành nhà ở, bao gồm cột (trụ, hoặc tường chịu lực), mái và tường/bao che. Dựa trên cách phân loại này, nhà ở của hộ dân cư được chia thành hai loại: Nhà kiên cố hoặc bán kiên cố, nhà thiếu kiên cố hoặc đơn sơ. Nhà kiên cố hoặc bán kiên cố là nhà có từ hai kết cấu chính trở lên được làm bằng vật liệu bền chắc; nhà thiếu kiên cố hoặc đơn sơ là nhà chỉ có một trong ba kết cấu chính hoặc không có kết cấu chính nào được làm bằng vật liệu bền chắc.

Tỷ lệ hộ trên địa bàn tỉnh sống trong nhà kiên cố hoặc bán kiên cố là 57,7% tổng số hộ có nhà ở, tăng gấp 3,4 lần trong vòng 20 năm qua (năm 1999 là 16,5%; năm 2009 là 42,9%). Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn thấp hơn so với cả nước 35,4 điểm phần trăm và thấp hơn vùng Trung du và miền núi phía Bắc 26,7 điểm phần trăm. Trong đó tỷ lệ hộ sống trong nhà kiên cố hoặc bán kiên cố ở khu vực thành thị cao gấp 1,8 lần khu vực nông thôn (90,4% và 50,1%).

Mặc dù tỷ lệ hộ sống trong nhà kiên cố hoặc bán kiên số đã tăng đáng kể trong vòng 20 năm qua nhưng vẫn còn một tỷ lệ tương đối lớn hộ sống trong những ngôi nhà thiếu kiên cố hoặc đơn sơ. Năm 2019, tỷ lệ hộ sống trong những ngôi nhà thiếu kiên cố hoặc đơn sơ trên địa bàn toàn tỉnh là 42,3% trong tổng số hộ có nhà ở, giảm hơn một nửa so với năm 1999 (42,3% so với 83,5) và giảm 14,8 điểm phần trăm so với năm 2009 (42,3% so với 57,1%). Nếu so với tỷ lệ này của cả nước thì của Hà Giang cao gấp hơn 6 lần; còn so với của vùng Trung du và miền núi phía Bắc thì của Hà Giang cao gấp 2,7 lần. Đây là thách rất thức lớn trong việc thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đối với tỉnh Hà Giang trong thời gian tới.

Thành phố Hà Giang - Trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh có tỷ lệ hộ sống trong những ngôi nhà/căn hộ kiên cố hoặc bán kiên cố cao nhất là 92,0%; tiếp đến là huyên Quản Bạ (66,2%), Bắc Quang (64,4%), Đồng Văn (60,9%), Vị Xuyên (59,8%), Bắc Mê (56,0%), Yên Minh (52,8%), Quang Bình (49,1%), Mèo Vạc (42,8%), Hoàng Su Phì (42,3%); và thấp nhất là huyện Xín Mần, tỷ lệ này chỉ có 41,9%.

Biểu 3: Tỷ lệ các loại nhà theo thành thị, nông thôn và đơn vị hành chính cấp huyện/thành phố

Đơn vị: %

Hình thức sinh sống phổ biến nhất của các hộ dân cư trên địa bàn tỉnh là sống trong những ngôi nhà riêng lẻ. 100% số hộ dân cư sống trong những ngôi nhà riêng lẻ, trên địa bàn tỉnh hiện không có loại hình nhà chung cư.

Hình 2: Tỷ lệ hộ có nhà ở theo loại nhà, 1999 - 2019

Đơn vị: %

1.3 Diện tích nhà ở bình quân đầu người

Diện tích nhà ở bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trong 10 năm qua, song để có thể đạt được so với Mục tiêu của Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 25 m2 sàn/người, trong đó tại đô thị đạt 29 m2 sàn/người và tại nông thôn đạt 22 m2 sàn/người, diện tích nhà ở tối thiểu 8 m2 sàn/người thì tỉnh Hà Giang vẫn cần rất nhiều nỗ lực.

Diện tích nhà ở là diện tích mà các thành viên của hộ sử dụng để ở, gồm diện tích các phòng để ăn, ngủ, tiếp khách, học tập, vui chơi và diện tích cải tạo mở rộng đủ điều kiện để ở. Không tính diện tích khu phụ (nhà tắm, nhà vệ sinh, bếp), kho chứa, diện tích dùng cho kinh doanh. Diện tích nhà ở bình quân đầu người là một trong những chỉ tiêu thống kê quan trọng để đánh giá về chất lượng nhà ở của các hộ dân cư.

Diện tích nhà ở bình quân đầu người được xác định bằng cách lấy tổng diện tích nhà ở của hộ chia cho tổng số nhân khẩu của hộ (tại cùng thời điểm).

Công thức tính:

Biểu 4: Tỷ lệ hộ có nhà ở và diện tích nhà ở bình quân đầu người theo thành thị, nông thôn và đơn vị hành chính cấp huyện/thành phố

 Diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2019 là 19,8m2/người, tăng 2,8m2/người so với năm 2009. Diện tích nhà ở bình quân đầu người của khu vực thành thị là 30,0m2/người, khu vực nông thôn là 17,9 m2/người. Ở đây, có sự chênh lệch rất lớn về điều kiện ở giữa khu vực thành thị với khu vực nông thôn, khu vực thành thị với mức bình quân chung toàn tỉnh, điều này được phản ánh một phần qua diện tích nhà ở bình quân đầu người của khu vực thành thị cao gấp gần 1,5 lần so với mức chung toàn tỉnh và cao gấp gần 1,7 lần so với khu vực nông thôn. Mặc dù, diện tích nhà ở bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh đã tăng tương đối sau 10 năm (2009 - 2019) song so với mức của cả nước trong Mục tiêu của Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 25m2 sàn/người, trong đó tại đô thị đạt 29m2 sàn/người và tại nông thôn đạt 22m2 sàn/người thì chỉ tiêu này của tỉnh Hà Giang còn thấp hơn rất nhiều và còn cần phải nỗ lực phát triển nhiều hơn nữa để đạt được chỉ tiêu này vào năm 2030.

Trong các đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh thì thành phố Hà Giang là đơn vị có diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt mức cao nhất là 35,1m2/người, huyện Mèo Vạc là đơn vị có diện tích nhà ở bình quân thấp nhất là 14,9m2/người. Chênh lệch về diện tích nhà ở bình quân theo đơn vị hành chính giữa mức cao nhất với mức thấp nhất gần 2,4 lần. Các đơn vị hành chính còn lại có diện tích nhà ở bình quân đầu người giao động từ mức 15m2/người đến 35m2/người.

Hình 3: Diện tích nhà ở bình quân đầu người theo thành thị, nông thôn và đơn vị hành chính cấp huyện/thành phố

 Đơn vị tính: m2/người

Toàn tỉnh có khoảng gần một phần tư (24,1%) số hộ có nhà ở sống trong các ngôi nhà/căn hộ có diện tích bình quân đầu người cao (từ 30m2/người trở lên). Tuy nhiên, vẫn còn gần 6% số hộ sống trong các ngôi nhà chật hẹp, diện tích bình quân dưới 8m2/người. Trong đó, tỷ lệ hộ sống trong những ngôi nhà có diện tích bình quân dưới 8m2/người ở Mèo Vạc là cao nhất (11,8%), ở thành phố Hà Giang và huyện Bắc Quang là thấp nhất (2%). Gần 60% tỷ lệ sống trong những ngôi nhà có diện tích bình quân dưới 8m2/người là ở các huyện vùng cao, vùng sâu. Điều này cho thấy, mục tiêu đến năm 2020 của Chiến lược phát triển nhà đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 “phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 8m2 sàn/người” đối với tỉnh Hà Giang là rất khó hoàn thành nếu không có các chính sách hiệu quả để phát triển nhà ở trong thời gian tới. Các chính sách cần tập trung phát triển nhà ở tại các huyện vùng cao, vùng sâu có tỷ lệ hộ sống trong những ngôi nhà có diện tích bình quân dưới 8m2/người như: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Mê.

 Biểu 5: Tỷ lệ hộ có nhà ở theo diện tích nhà ở bình quân đầu người, thành thị, nông thôn và đơn vị hành chính cấp huyện/thành phố

Đơn vị tính: %

Hầu hết các hộ dân cư trên địa bàn tỉnh đang sống trong các ngôi nhà/căn hộ được xây dựng và bắt đầu đưa vào sử dụng từ năm 2000 đến nay (84,8%, tương đương 160,6 nghìn hộ). Trong đó có 43,5% hộ sống trong các ngôi nhà/căn hộ mới được xây dựng trong vòng 10 năm trước thời điểm Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 (tương ứng khoảng 82,3 nghìn hộ).

Hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn gần 25,8 nghìn hộ (tương ứng 13,6% số hộ có nhà ở) đang sống trong các ngôi nhà đơn sơ được xây dựng và đưa vào sử dụng lần đầu trong vòng từ 21 trở lên. Điều này cho thấy, mặc dù tình trạng nhà ở của hộ dân cư đã được cải thiện trong thời gian qua nhưng vẫn còn những hộ phải sống trong các ngôi nhà có chất lượng kém với tuổi thọ quá dài so với mức độ an toàn theo quy định.

Biểu 6: Tỷ lệ hộ có nhà ở theo năm đưa vào sử dụng của ngôi nhà/căn hộ, thành thị, nông thôn và đơn vị hành chính cấp huyện/thành phố

Đơn vị tính: %


2. Điều kiện ở và sinh hoạt của các hộ dân cư

Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 thu thập những thông tin cơ bản để phản ánh điều kiện ở và sinh hoạt của các hộ dân cư qua các câu hỏi về: nhiên liệu chính dùng để thắp sáng; nhiên liệu chính dùng để nấu ăn; nguồn nước ăn uống chính; loại hố xí đang sử dụng; các loại thiết bị để phục vụ cuộc sống của hộ (tivi, đài, máy vi tính, điện thoại cố định, tủ lạnh, máy giặt, bình tắm nóng lạnh, điều hòa nhiệt độ, mô tô/xe gắn máy/xe đạp điện, xe máy điện, xe đạp, xuồng/ghe, ô tô).

2.1 Điều kiện ở của các hộ dân cư

Hiện nay, đa số các hộ dân cư trên địa bàn tỉnh đã được tiếp cận điện và nguồn nước hợp vệ sinh. Tỷ lệ hộ gia đình có hố xí hợp vệ sinh đạt rất thấp so với mục tiêu Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Tỷ lệ hộ sử dụng điện để thắp sáng tăng từ 79,2 điểm phần trăm năm 2009 lên 96,6 điểm phần trăm năm 2019, tăng 17,4 điểm phần trăm; trong đó tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới để thắp sáng tăng 22,69 điểm phần trăm sau 10 năm (2009: 69,11% và 2019: 91,8%). Tỷ lệ hộ có sử dụng điện tăng nhanh sau 10 năm chứng tỏ khả năng tiếp cận với nguồn điện, nhất là điện lưới quốc gia ngày càng được tăng cường. Điều đó minh chứng cho thành tựu của công cuộc kiến thiết và xây dựng đất nước theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hoá, hiện đại hoá. Nó góp phần nâng cao chất lượng đời sống dân cư và thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mặc dù vậy, toàn tỉnh vẫn còn 8,2% số hộ dân cư chưa được tiếp cận với điện lưới, trong đó: khu vực thành thị là 1,37%; khu vực nông thôn là 9,87%.

Tỷ lệ hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh (hố xí tự hoại và bán tự hoại) tăng mạnh sau 10 năm (2009 - 2019). Toàn tỉnh hiện có 56,75% hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh, tăng gần 35 điểm phần trăm so với năm 2009. Tuy nhiên, mức độ tiếp cận điều kiện hố xí hợp vệ sinh có sự chênh lệch khá lớn giữa khu vực thành thị với nông thôn. Khu vực thành thị có số hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh cao hơn khu vực nông thôn 41 điểm phần trăm (89,9% so với 48,9%). Đồng thời, trên địa bàn toàn tỉnh hiện vẫn còn 43,3% số hộ sử dụng hố xí không hợp vệ sinh, nó phản ánh một thực tế là đời sống của người dân Hà Giang, đặc biệt là người dân sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn rất nghèo nàn, thiếu thốn với điều kiện vệ sinh không được đảm bảo. Như vậy, so với mục tiêu “đến năm 2020 nâng tỷ lệ hộ gia đình có công trình phụ hợp vệ sinh lên 90%” của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thì mục tiêu này trên địa bàn tỉnh Hà Giang rất khó để đạt được, nếu như không muốn nói là không đạt.

Tỷ lệ hộ dân cư sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh là 86,1%, trong đó chỉ có 11,22% hộ sử dụng nguồn nước máy. Có sự chênh lệch về tiếp cận sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh giữa khu vực thành thị và nông thôn: tỷ lệ hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh ở khu vực thành thị là 95,5%, khu vực nông thôn là 83,9%. Đặc biệt có sự chênh lệch lớn về tiếp cận sử dụng nguồn nước máy giữa khu vực thành thị và nông thôn: tỷ lệ hộ sử dụng nguồn nước máy khu vực thành thị cao gấp hơn 43 lần so với khu vực nông thôn (53,61% so với 1,24%). Sở dĩ có sự chênh lệch lớn về tiếp cận sử dụng nguồn nước máy là do Hà Giang là tỉnh vùng núi cao, địa hình dốc và chia cắt, dân cư vùng nông thôn sống không tập trung nên việc xây dựng các nhà máy nước tại các xã ở vùng nông thôn rất khó thực hiện.

Tỷ lệ hộ sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh như nước khe/mó không được bảo vệ, nước giếng đào không được bảo vệ và các nguồn nước không hợp vệ sinh khác là 13,9%, giảm 53,9 điểm phần trăm so với năm 2009.

Biểu 7: Tỷ lệ hộ theo điều kiện ở, sinh hoạt của hộ tại thành thị, nông thôn

Đơn vị tính: %

2.2 Tiện nghi sinh hoạt cơ bản của các hộ dân cư

Các tiện nghi sinh hoạt cơ bản của hộ dân cư trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện rõ rệt sau 10 năm (2009 - 2019), nhiều hộ dân cư có tiện nghi để tiếp cận thông tin văn hóa, xã hội và công nghệ thông tin.

Các thiết bị như ti vi, đài (radio, radio casetts), máy vi tính (máy bàn, laptop), điện thoại cố định, di động, máy tính bảng được xem là những thiết bị điện tử, nghe nhìn giúp hộ dân cư có thể tiếp cận tới thông tin văn hóa, xã hội và công nghệ thông tin. Trong đó, ti vi đang dần trở thành một loại thiết bị sinh hoạt tương đối phổ biến của các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đối với khu vực thành thị. Toàn tỉnh có 71,61% hộ có sử dụng ti vi, tăng khoảng 15,41 điểm phần trăm so với năm 2009 (56,2%). Sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn về tỷ lệ này vẫn còn tương đối lớn (25,11 điểm phần trăm). Tỷ lệ hộ có sử dụng điện thoại cố định, di động, máy tính bảng tăng rất nhanh, đạt 86,09%, tăng 53,19 điểm phần trăm so với năm 2009 (32,9%); khác biệt giữa khu vực thành thị và nông thôn là 11,3 điểm phần trăm (tương ứng 95,23% và 83,94%).

Biểu 8: Tỷ lệ hộ sử dụng các thiết bị điện tử, nghe nhìn theo thành thị, nông thôn

Đơn vị tính: %

Tỷ lệ hộ còn sử dụng đài (radio, radio casetts) hiện chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ (5,11% tổng số hộ trên toàn tỉnh) và sự chênh lệch giữa thành thành và nông thôn không lớn. Tỷ lệ hộ sử dụng máy vi tính (máy bàn, laptop) là 16,05%, tăng 11,5 điểm phần trăm so với năm 2009. Kết quả Tổng điều tra năm 2019 cũng cho thấy có sự khác biệt rõ ràng về tỷ lệ hộ sử dụng máy vi tính giữa thành thị và nông thôn (tương ứng 50,63% và 7,91%), điều này phản ánh sự chênh lệch về trình độ phát triển công nghệ thông tin giữa hai khu vực.

Cùng với các thiết bị sinh hoạt nghe nhìn đã đề cập ở trên, các thiết bị phục vụ sinh hoạt cơ bản khác cũng được phần lớn hộ dân cư trên địa bàn tỉnh sử dụng và tăng đáng kể so với năm 2009. Tăng cao nhất là tỷ lệ hộ sử dụng mô tô/xe máy/xe gắn máy/xe đạp điện/xe máy điện, tăng 37,1 điểm phần trăm (năm 2009: 49,5%; năm 2019: 86,57%); tiếp đến là tỷ lệ hộ sử dụng tủ lạnh, tăng 36,3 điểm phần trăm (năm 2009: 12,4%; năm 2019: 48,68%); và tỷ lệ hộ sử dụng máy giặt tăng 18,7 điểm phần trăm (năm 2009: 5,2%; năm 2019: 23,93%); tỷ lệ hộ sử dụng điều hòa nhiệt độ tăng 8,2 điểm phần trăm (năm 2009: 1,6%; năm 2019: 9,84%). Điều này cho thấy tiện nghi sinh hoạt của hộ dân cư đã được cải thiện rõ rệt.

Hình 4: Tỷ lệ hộ sử dụng một số thiết bị, phương tiện sinh hoạt

Đơn vị: %

Nhìn chung, qua kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 cho thấy trong 10 năm qua (2009 - 2019), điều kiện nhà ở và sinh hoạt của hộ dân cư trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã được cải thiện. Hầu hết, các hộ dân cư đều có nhà để ở; tỷ lệ hộ dân cư đang sống trong các ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố và diện tích nhà ở bình quân đầu người tiếp tục tăng; đặc biệt, điều kiện sinh hoạt của hộ dân cư đã được cải thiện rõ rệt.

Tăng Bá Tuyên

Tin khác

Tin giá và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 năm 2020 (29/09/2020 15:25)

HIỆU QUẢ VỐN ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2011 - 2019 (14/09/2020 10:43)

Giá cả và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 năm 2020 (10/09/2020 09:45)

Một số đặc trưng cơ bản của các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang (09/09/2020 14:44)

MỨC ĐỘ ẢNH HƯỞNG VÀ TỶ PHẦN ĐÓNG GÓP CỦA YẾU TỐ ĐẾN BIẾN ĐỘNG NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG TỔNG HỢP CHUNG CỦA KINH TẾ TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2011 - 2019 (28/08/2020 09:22)

Giá cả và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 năm 2020 (12/08/2020 14:54)

Sự phát triển của giáo dục Hà Giang - góc nhìn từ kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 và năm 2019 (04/08/2020 09:02)

Giá cả và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 năm 2020 (17/07/2020 15:16)

Giá cả và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 năm 2020 (17/07/2020 15:11)

Mức sinh của dân số Hà Giang giai đoạn 2009 - 2019 qua kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 và năm 2019 (02/07/2020 11:20)