Thứ năm, Ngày 2 Tháng 5 Năm 2024

Tin chuyên ngành

Gửi Email In trang Lưu
THỰC TRẠNG TẢO HÔN VÀ HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG QUA KẾT QUẢ ĐIỀU TRA THỰC TRẠNG KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA 53 DÂN TỘC THIỂU SỐ NĂM 2019

26/11/2020 14:02

Để phân tích, đánh giá thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, cần hiểu và làm rõ thế nào là tảo hôn và thế nào là hôn nhân cận huyết thống.

Trước hết, về tảo hôn, theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì: Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 8 của Luật này ”. Chiếu theo điểm a Khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về điều kiện kết hôn là: “ Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên ”. Như vậy, có thể hiểu tảo hôn là việc hai bên nam, nữ kết hôn với nhau khi một hoặc cả hai bên chưa nào đủ điều kiện về độ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật, tức nam lấy vợ khi chưa đủ 20 tuổi, nữ lấy chồng khi chưa đủ 18 tuổi.

Tiếp theo, về hôn nhân cận huyết thống, hiện nay Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 hiện hành cũng như các văn bản pháp luật không đưa ra khái niệm cho thuật ngữ “ Hôn nhân cận huyết thống ”.  Tuy nhiên, tại điểm d Khoản 2 Điều 5 Luật này quy định cấm hành vi “Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng”. Cũng theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì những người trong phạm vi ba đời được xác định như sau: đời thứ nhất là cha mẹ; đời thứ hai là anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; đời thứ ba là anh chị em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì.

Từ đó, có thể hiểu theo cách thông thường, hôn nhân cận huyết thống là hôn nhân giữa nam và nữ trong cùng họ hàng thân thuộc chưa quá ba thế hệ. Đó là việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng huyết thống trực hệ với nhau; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời.

Việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên, khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, kinh nghiệm và chưa sẵn sàng về mặt tâm lý để mang thai và sinh con gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bà mẹ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh. Đây là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi, tăng tỷ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản. Hôn nhân cận huyết còn gây ra những hậu quả nặng nề hơn do trẻ em sinh ra mắc những căn bệnh như dị tật, tan máu bẩm sinh,….

Như vậy, có thể thấy tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là những hủ tục khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước nói chung và của các địa phương nói riêng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống hiện vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số nước ta. Trên cơ sở kết quả Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 (sau đây viết tắt là Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019 ) của tỉnh Hà Giang đã công bố, dưới đây sẽ phân tích, đánh giá thực trạng các hiện tượng này của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

1. Thực trạng tảo hôn

Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019 chỉ hỏi, xác định tháng, năm hoặc tuổi kết hôn hỏi cho những người từ 10 đến 39 tuổi và dựa vào các câu hỏi như: “[TÊN] kết hôn lần đầu vào tháng, năm dương lịch nào?hoặcKhi kết hôn lần đầu, [TÊN] bao nhiêu tuổi tròn theo dương lịch? để từ đó tính toán tuổi kết hôn lần đầu và xác định tình trạng tảo hôn.

Theo kết quả Điều tra 53 dân tộc thiểu số 2019, tỷ lệ tảo hôn của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh là 32 điểm phần trăm - nghĩa là trung bình cứ 100 trường hợp kết hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng (từ 10 đến 39 tuổi) thì có 32 trường hợp kết hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chống chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật. Tỷ lệ này của Hà Giang cao hơn so với của cả nước 10,1 điểm phần trăm (32% so với 21,9%); cao hơn so với vùng Trung du và miền núi phía Bắc 7,4 điểm phần trăm (32% so với 24,6%).

Xét theo đơn vị hành chính cấp huyện/thành phố thì kết quả điều tra cho thấy tảo hôn của dân tộc thiểu số xảy ra ở 11/11 huyện/thành phố. Nếu xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp về tỷ lệ tảo hôn thì huyện Mèo Vạc là đơn vị hành chính có tỷ lệ tảo hôn cao nhất 52,9 điểm phần trăm; tiếp đến là huyện Yên Minh, Đồng Văn, Bắc Mê, Xín Mần, Quản Bạ, Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình, Hoàng Su Phì - tỷ lệ tảo hôn tương ứng: 42,6%; 41,4%; 39,6%; 33,0%; 32,7%; 21,5%; 19,9%; 14,7%; 13,7%; và thành phố Hà Giang có tỷ lệ tảo hôn thấp nhất là 7,9 điểm phần trăm.

Xét theo giới tính, tỷ lệ tảo hôn của dân tộc thiểu số không có sự chệnh lệch lớn giữa nam và nữ (nam: 30,8%; nữ: 33,0%). So với cả nước, tỷ lệ tảo hôn của dân tộc thiểu số nam giới tỉnh Hà Giang cao hơn 10,7 điểm phần trăm (30,8% so với 20,1%; nữ giới cao hơn 9,5 điểm phần trăm (33% so với 23,5%).

Xét theo khu vực thành thị và nông thôn, tỷ lệ tảo hôn của dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang có sự chênh lệch tương đối lớn. Tỷ lệ tảo hôn của dân tộc thiểu số khu vực nông thôn cao gấp gần 5 lần so với khu vực thành thị (34,1% so với 7,2%). So với cả nước, tỷ lệ tảo hôn của dân tộc thiểu số khu vực thành thị trên địa bàn Hà Giang thấp hơn 3,2 điểm phần trăm (7,2% so với 10,4%), trong khi đó khu vực nông thôn cao hơn 10,7 điểm phần trăm (34,1% so với 24,3%). Sở dĩ tỷ lệ tảo hôn của dân tộc thiểu số khu vực thành thị của Hà Giang thấp hơn so với cả nước do dân tộc thiểu số của Hà Giang sinh sống tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn.

 Hình 1. Tỷ lệ tảo hôn theo đơn vị hành chính cấp huyện/thành phố, Hà Giang, 2018

Đơn vị: %

Kết quả điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019 cũng ghi nhận được hiện tượng tảo hôn xảy ra đối với 10 dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang, gồm: Tày, Hoa, Nùng, Mông, Dao, Giáy, La Chí, Pà Thẻn, Cơ Lao, Pu Péo. Dẫn đầu về tỷ lệ tảo hôn là dân tộc Mông với tỷ lệ là 49,2%; tiếp đến lần lượt là các dân tộc: Cơ Lao; Dao; Nùng; Pu Péo; La Chí; Hoa; Pà Thẻn; Tày - số liệu tương ứng là: 47,8%; 25,6%; 23,8%; 23,7%; 20,8%; 18,9%; 11,6%; 9,2% và dân tộc Giáy có tỷ lệ tảo hôn ghi nhận được thấp nhất là 5,2%. Tỷ lệ tảo hôn của từng dân tộc có thể quan sát, so sánh chi tiết với cả nước, chia theo giới tính, thành thị/nông thôn trong Biểu 1 và Hình 2 dưới đây. 

Biểu 1: Tỷ lệ tảo hôn của các dân tộc thiểu số Hà Giang chia theo giới tính, thành thị/nông thôn; và của cả nước, 2018


Hình 2. Tỷ lệ tảo hôn của các dân tộc thiểu số Hà Giang, cả nước, 2018

Đơn vị: %


2. Thực trạng hôn nhân cận huyết thống

Câu hỏi dùng để xác định các trường hợp hôn nhân cận huyết thống được sử dụng trong Điều tra 53 dân tộc thiểu số 2019 là: [TÊN] có quan hệ huyết thống trong vòng 3 thế hệ với vợ/chồng mình không? .

Kết quả Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019 cho thấy, tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang là 10,9 điểm phần nghìn - nghĩa là cứ 1.000 người kết hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng thì có gần 11 người kết hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng có quan hệ huyết thống trong vòng 3 thế hệ với vợ/chồng của mình. Tỷ lệ này của Hà Giang cao gấp gần 2 lần so với của cả nước; cao gấp 2,1 lần so với vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang phân theo giới tính, thành thị/nông thôn cho thấy: Tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống của nam giới là 11,8 phần nghìn, cao hơn nam giới cả nước 6,1 điểm phần nghìn; Tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống nữ giới là 10 phần nghìn, cao hơn nữ giới cả nước 4,4 điểm phần nghìn; khu vực thành thị là không ghi nhận trường hợp hôn nhân cận huyết thống; khu vực nông thôn là 11,8 phần nghìn, cao hơn so với cả nước 5,8 điểm phần nghìn.

Kết quả Điều tra 53 dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận được các trường hợp hôn nhân cận huyết thống xảy ra trên địa bàn 7 huyện của tỉnh Hà Giang, gồm: Đồng Văn, Quản Bạ, Vị Xuyên, Bắc Mê, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Quang. Huyện Đồng Văn là đơn vị hành chính có tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống cao nhất 39 phần nghìn; tiếp đến là huyện Bắc Quang (26,7 phần nghìn), huyện Quản Bạ (16,9 phần nghìn), huyện Bắc Mê (10,2 phần nghìn), huyện Vị Xuyên (10,1 phần nghìn), huyện Xín Mần (7 phần nghìn); và thấp nhất là huyện Hoàng Su Phì với tỷ lệ này ghi nhận được là 1,8 phần nghìn. Các đơn vị hành chính cấp huyện/thành phố còn lại trên địa bàn tỉnh không ghi nhận trường hợp hôn nhân cận huyết thống nào.

Hình 3. Tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống chia theo đơn vị hành chính cấp huyện/thành phố, Hà Giang, 2018 

Đơn vị: ‰

 

            Kết quả điều tra 53 dân tộc thiểu số cũng ghi nhận được tình trạng hôn nhân cận huyết thống của các dân tộc thiểu số xảy ra trên địa bàn tỉnh đối với 5 dân tộc, gồm: Tày, Hoa, Nùng, Mông, La Chí. Dân tộc thiểu số có tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống cao nhất trên địa bàn tỉnh Hà Giang ghi nhận được là dân tộc Hoa với tỷ lệ là 139,3 phần nghìn - nghĩa là cứ 1.000 người dân tộc Hoa kết hôn hoặc chung sống với nhau như vợ/chồng thì có gần 140 người kết hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng có quan hệ cận huyết thống trong vòng 3 thế hệ với vợ/chồng của mình, xảy ra chủ yếu ở địa bàn hai huyện Quản Bạ và Hoàng Su Phì. Dân tộc La Chí có tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống cao thứ hai là 34,7 phần nghìn, xảy ra chủ yếu ở địa bàn huyện Vị Xuyên; dân tộc Tày có tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống là 17,3 phần nghìn, xảy ra chủ yếu ở địa bàn hai huyện Bắc Mê và Bắc Quang; dân tộc Mông có tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống là 9,3 phần nghìn, xảy ra chủ yếu ở địa bàn hai huyện Đồng Văn và Quản Bạ; và dân tộc Nùng có tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống thấp nhất là 6,9 phần nghìn, xảy ra chủ yếu ở địa bàn hai huyện Xín Mần và Vị Xuyên.

Biểu 2: Tỷ lệ hôn nhân cận huyết chia theo dân tộc thiểu số, giới tính, khu vực thành thị/nông thôn của Hà Giang; và cả nước, 2018

 

Hình 4. Tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống của các dân tộc thiểu số Hà Giang, cả nước, 2018

Đơn vị:


            Nhìn chung, kết quả Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 cho thấy, thực trạng hiện tượng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang vẫn còn xảy ra và đang ở mức tương đối cao so với cả nước. Tuy nhiên, cuộc Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 mới chỉ dừng lại ở việc thu thập các hiện tượng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, chưa thu thập thông tin về nguyên nhân của các hiện tượng này. Do đó, trên cơ sở thực trạng hiện tượng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã thu thập được qua Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, các ngành chức năng của tỉnh Hà Giang cần tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng kế hoạch tổ chức thu thập thông tin đánh giá nguyên nhân của từng hiện tượng đối với từng địa bàn, từng dân tộc, từ đó đề xuất các giải pháp hành chính, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, …để hạn chế và tiến tới chấm dứt hiện tượng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước nói chung và của tỉnh Hà Giang nói riêng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.

Tăng Bá Tuyên

Tin khác

Tin giá và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 năm 2020 (01/11/2020 10:14)

PHÂN TÍCH SỰ ĐÓNG GÓP CỦA CÁC KHU VỰC KINH TẾ, THUẾ SẢN PHẨM VÀ TRỢ CẤP VÀO TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG TỔNG SẢN PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG (GRDP) GIAI ĐOẠN 2011 - 2019 (12/10/2020 15:51)

ĐIỀU KIỆN Ở VÀ SINH HOẠT CỦA CÁC HỘ DÂN CƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG QUA KẾT QUẢ TỔNG ĐIỀU TRA DÂN SỐ VÀ NHÀ Ở NĂM 2019 (08/10/2020 11:01)

Tin giá và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 năm 2020 (29/09/2020 15:25)

HIỆU QUẢ VỐN ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2011 - 2019 (14/09/2020 10:43)

Giá cả và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 năm 2020 (10/09/2020 09:45)

Một số đặc trưng cơ bản của các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang (09/09/2020 14:44)

MỨC ĐỘ ẢNH HƯỞNG VÀ TỶ PHẦN ĐÓNG GÓP CỦA YẾU TỐ ĐẾN BIẾN ĐỘNG NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG TỔNG HỢP CHUNG CỦA KINH TẾ TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2011 - 2019 (28/08/2020 09:22)

Giá cả và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 năm 2020 (12/08/2020 14:54)

Sự phát triển của giáo dục Hà Giang - góc nhìn từ kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 và năm 2019 (04/08/2020 09:02)