Thứ bảy, Ngày 27 Tháng 4 Năm 2024

Tin chuyên ngành

Gửi Email In trang Lưu
Sự phát triển của giáo dục Hà Giang - góc nhìn từ kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 và năm 2019

04/08/2020 09:02

Để có được số liệu phản ánh về bức tranh giáo dục, các cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở đã xây dựng, thiết kế và đưa vào phiếu điều tra các câu hỏi về tình hình đi học, bậc học cao nhất đã đạt được và khả năng biết đọc biết viết để thu thập thông tin. Trên cơ sở kết quả của hai cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 và năm 2019, dưới đây sẽ phân tích để thấy được sự phát triển của nền giáo dục trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2009-2019 qua những chỉ số chủ yếu thu được từ kết quả Tổng điều tra. Cụ thể:

1. Tình hình biết đọc, biết viết của dân số từ 15 tuổi trở lên

Trong Tổng điều tra Dân số và Nhà ở, khái niệm biết đọc biết viết (biết chữ) là khả năng đọc và viết một đoạn văn đơn giản trong sinh hoạt hàng ngày bằng tiếng quốc ngữ, tiếng dân tộc hoặc tiếng nước ngoài. Tỷ lệ biết chữ là một trong những chỉ tiêu chung nhất phản ánh đầu ra của giáo dục, được định nghĩa là tỷ lệ phần trăm những người biết chữ của một độ tuổi nhất định trong tổng dân số của độ tuổi đó.

Theo kết quả Tổng điều tra năm 2019, tỷ lệ biết chữ của dân số từ 15 tuổi trở lên toàn tỉnh là 73,5%, so với năm 2009 tăng 5,2 điểm phần trăm (năm 2009: 68,3%). Tỷ lệ biết chữ của dân số từ 15 tuổi trở lên khu vực thành thị năm 2019 đạt 93,69%, tiếp tục được duy trì ổn định so với năm 2009. Tỷ lệ này ở khu vực nông thôn năm 2019 tăng rõ rệt so với năm 2009, cụ thể tăng gần 5 điểm phần trăm (69,5% so với 64,5%).

Tỷ lệ dân số nam từ 15 tuổi trở lên biết chữ năm 2019 là 81,2%, tăng 5,2 điểm phần trăm so với năm 2009. Tỷ lệ dân số nữ từ 15 tuổi trở lên biết chữ năm 2019 được nâng lên rõ rệt hơn so với năm 2009 với mức tăng là 10,6 điểm phần trăm (65,7% so với 55,1%). Hình 1 dưới đây giúp quan sát rõ hơn sự thay đổi về tỷ lệ biết chữ của dân số từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2009-2019.

Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ của Hà Giang đã được cải thiện đáng kể sau 10 năm (2009-2019) song năm 2019 vẫn còn thấp hơn so với tỷ lệ này của vùng Trung du và miền núi phía Bắc là 16,4 điểm phần trăm (73,5% so với 89,9%; thấp hơn so với toàn quốc là 22,3 điểm phần trăm (73,5% so với 95,8%). Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ của Hà Giang xếp trên tỉnh Điện Biên (73,1%) và tỉnh Lai Châu (64,4%).

Hình 1. Tỷ lệ biết chữ của dân số từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2009-2019.

2. Tình hình đi học của dân số từ 5 tuổi trở lên

Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm quy định khái niệm đang đi học bao gồm đang học ở các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân của nước ta. Kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 cho thấy có trên một phần tư dân số trên địa bàn tỉnh hiện đang theo học một trường nào đó (26,1%). Tỷ lệ dân số từ 5 tuổi trở lên đang đi học năm 2019 của Hà Giang cao hơn vùng Trung du và miền núi phía Bắc 1,5 điểm phần trăm và cao hơn của toàn quốc 3,2 điểm phần trăm.

Sau 10 năm (2009-2019), tỷ lệ dân số từ 5 tuổi trở lên chưa bao giờ đến trường trên địa bàn tỉnh đã giảm đi đáng kể, nếu năm năm 2009 có 26,7% dân số chưa bao giờ được đi học thì đến năm 2019 con số này giảm xuống chỉ còn 18,4%, giảm 8,3 điểm phần trăm. Ngược lại với xu hướng giảm của tỷ lệ dân số từ 5 tuổi trở lên chưa bao giờ đi học thì tỷ lệ dân số từ 5 tuổi trở lên đã thôi học tăng lên đáng kể, năm 2009 tỷ lệ này là 48,1% thì năm 2019 đã tăng lên 55,5%, tăng 7,4 điểm phần trăm.

Sự thay đổi về tình hình đi học của dân số từ 5 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh sau 10 năm (2009-2019) được quan sát rõ hơn qua Hình 2 dưới đây.

Hình 2. Tỷ lệ dân số từ 5 tuổi trở lên chia theo tình trạng đi học trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2009-2019

3. Tỷ lệ đi học chung và tỷ lệ đi học đúng tuổi

Theo Luật Giáo dục Việt Nam, hệ thống giáo dục phổ thông của Việt Nam được chia thành 3 cấp, với những quy định cụ thể về thời gian và độ tuổi như sau: (1) Cấp Tiểu học: từ lớp 1 đến lớp 5 và tuổi của học sinh vào học là đúng 6 tuổi; (2) Cấp Trung học cơ sở (THCS): từ lớp 6 đến lớp 9 và học sinh vào học lớp 6 phải hoàn thành chương trình Tiểu học và có tuổi đúng 11 tuổi; (3) Cấp Trung học phổ thông (THPT): từ lớp 10 đến lớp 12 và học sinh vào học lớp 10 phải có bằng THCS và có tuổi đúng 15 tuổi.

Tỷ lệ đi học là chỉ tiêu phản ánh đầu vào của giáo dục. Tỷ lệ đi học chung là số học sinh đang tham gia vào một cấp giáo dục, không kể tuổi tính trên 100 người trong tuổi đến trường của cấp học đó. Tỷ lệ đi học đúng tuổi là số học sinh trong tuổi đến trường của một cấp học đang tham gia vào một cấp học đó tính trên 100 người trong tuổi đến trường của cấp học đó.

Kết quả Tổng điều tra năm 2019 cho thấy:

- Tỷ lệ đi học chung cấp học Tiểu học là 100,3%, thấp hơn mức của vùng Trung du và miền núi phía Bắc (100,5%) và mức chung của cả nước (101,0%); so với năm 2009 giảm 1,6 điểm phần trăm. Tỷ lệ đi học đúng tuổi cấp Tiểu học là 96,4% và còn khoảng 3,9% học sinh Tiểu học đi học không đúng tuổi; so với năm 2009, tỷ lệ đi học đúng tuổi cấp Tiểu học tăng khá cao, 17,2 điểm phần trăm;

- Tỷ lệ đi học chung cấp THCS là 82,3%, thấp hơn so với mức của vùng Trung du và miền núi phía Bắc 11,2 điểm phần trăm và thấp hơn so với mức của cả nước 10,5 điểm phần trăm; nếu so với năm 2009, tỷ lệ này cao hơn 11 điểm phần trăm. Tỷ lệ đi học đúng tuổi cấp THCS là 78%, tăng 26 điểm phần trăm so với năm 2009, tuy nhiên vẫn còn khoảng 4,3 điểm phần trăm học sinh THCS đi học không đúng độ tuổi;

- Tỷ lệ đi học chung cấp THPT là 41,1%, tỷ lệ này có sự chênh lệch lớn so với mức của vùng và cả nước, cụ thể thấp hơn so với mức của vùng Trung du và miền núi phía Bắc 27 điểm phần trăm và thấp hơn so với mức của cả nước 30,9 điểm phần trăm; so sánh với năm 2009, tỷ lệ này có mức tăng thấp nhất, chỉ tăng có 3,7 điểm phần trăm sau 10 năm. Tỷ lệ đi học đúng tuổi cấp THPT là 38,5%, tăng 11,8 điểm phần trăm so với năm 2009. Ở cấp THPT tỷ lệ học sinh đi học không đúng độ tuổi là 3,3 điểm phần trăm.

Tỷ lệ đi học chung và tỷ lệ đi học đúng tuổi các cấp học trên địa bàn tỉnh đã tăng lên đáng kể, sự chênh lệch giữa hai tỷ lệ này ở các cấp ngày càng thu hẹp cho thấy hầu hết học sinh ở các cấp học đã được đi học đúng độ tuổi theo quy định của Luật Giáo dục.

4. Trình độ giáo dục cao nhất đạt được

Trình độ giáo dục cao nhất đạt được là một trong những chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng dân số đồng thời là một trong những chỉ tiêu phản ánh sự phát triển của nền giáo dục của một quốc gia hay một địa phương. Trong Tổng điều tra Dân số và Nhà ở, trình độ giáo dục cao nhất đạt được phân tổ theo 5 nhóm, gồm: (1) Dưới Tiểu học; (2) Tiểu học; (3) Trung học cơ sở; (4) Trung học phổ thông; và (5) Trên Trung học phổ thông.

Kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 cho thấy, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên chia theo trình độ giáo dục cao nhất đạt được thì có 76,7% đạt trình độ giáo dục cao nhất từ Trung học cơ sở trở xuống, cao hơn so với vùng Trung du và miền núi phía Bắc 9,2 điểm phần trăm và cao hơn so với cả nước 13,2 điểm phần trăm; chỉ có 23,3% đạt trình độ giáo dục cao nhất từ Trung học phổ thông trở lên. Cụ thể, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh chia theo trình độ giáo dục cao nhất đạt được có: 32% đạt trình độ dưới Tiểu học; 19,8% đạt trình độ Tiểu học; 24,9% đạt trình độ Trung học cơ sở; 8,3% đạt trình độ Trung học Phổ thông; và 15% đạt trình độ trên Phổ thông trung học.

5. Trình độ chuyên môn kĩ thuật cao nhất đạt được

Trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nhất đạt được phân tổ theo 5 nhóm, gồm: (1) Không có chuyên môn kỹ thuật; (2) Sơ cấp; (3) Trung cấp; (4) Cao đẳng; (5) Đại học trở lên.

Kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 cho thấy tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh Hà Giang có 85% không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, giảm 6 điểm phần trăm so với năm 2009, cao hơn 3,1 điểm phần trăm so với vùng Trung du và miền núi phía Bắc, cao hơn 4,2 điểm phần trăm so với cả nước. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên của tỉnh năm 2019 có trình độ chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm 15%, tăng 6 điểm phần trăm so với năm 2009, gồm: (1) Sơ cấp 3%; (2) Trung cấp 4,1%; (3) Cao đẳng 2%; (4) Đại học trở lên 5,8%. Hình 3 dưới đây sẽ giúp quan sát rõ hơn sự thay đổi về trình độ chuyên môn kĩ thuật cao nhất đã đạt được của dân số từ 15 tuổi trở lên của Hà Giang qua hai cuộc Tổng điều tra năm 2009 và năm 2019.

Hình 3. Sự thay đổi trình độ chuyên môn kĩ thuật cao nhất đã đạt được của dân số từ 15 tuổi trở lên của Hà Giang qua hai cuộc Tổng điều tra năm 2009 và năm 2019

Đánh giá chung qua một số chỉ số thu được từ kết quả hai cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 và năm 2019 cho thấy nền giáo dục Hà Giang đã có bước tiến rõ rệt sau 10 năm. Các chỉ số về tình hình biết đọc, biết viết của dân số từ 15 tuổi trở lên; tình hình đi học của dân số từ 5 tuổi trở lên; tỷ lệ đi học chung và tỷ lệ đi học đúng tuổi; trình độ giáo dục cao nhất đạt được; trình độ chuyên môn kĩ thuật cao nhất đạt được đã được cải thiện và tăng rõ rệt so với 10 năm trước đây. Tuy nhiên, nếu so sánh với khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và cả nước thì các chỉ số về giáo dục của Hà Giang vẫn còn đạt ở mức thấp, thường chỉ xếp trên hai tỉnh là Lai Châu và Điện Biên.

Tăng Bá Tuyên

Tin khác

Giá cả và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 năm 2020 (17/07/2020 15:16)

Giá cả và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 năm 2020 (17/07/2020 15:11)

Mức sinh của dân số Hà Giang giai đoạn 2009 - 2019 qua kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 và năm 2019 (02/07/2020 11:20)

Tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp qua kết quả khảo sát các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Giang (25/06/2020 10:41)

THỰC TRẠNG HÔN NHÂN CỦA DÂN SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG NHÌN TỪ KẾT QUẢ TỔNG ĐIỀU TRA DÂN SỐ VÀ NHÀ Ở NĂM 2019 (24/06/2020 14:35)

Giá cả và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 năm 2020 (06/05/2020 15:24)

Giá cả và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 năm 2020 (10/04/2020 16:04)

Ứng dụng công nghệ, thu thập dữ liệu trực tuyến Điều tra doanh nghiệp 2020 (10/04/2020 10:02)

Điều tra doanh nghiệp năm 2020 - cần sự đồng hành của mỗi doanh nghiệp (25/03/2020 14:15)

Phương án Điều tra doanh nghiệp năm 2020 - Một số nội dung chủ yếu (25/03/2020 14:04)