Thứ sáu, Ngày 26 Tháng 4 Năm 2024

Tin chuyên ngành

Gửi Email In trang Lưu
NHỮNG ĐẶC ĐIỂM KINH TẾ - XÃ HỘI CƠ BẢN CỦA VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ QUA KẾT QUẢ ĐIỀU TRA THỰC TRẠNG KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA 53 DÂN TỘC THIỂU SỐ NĂM 2019 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG

05/07/2021 16:00

Cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 thu thập thông tin về an sinh xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục của các xã, phường, thị trấn có địa bàn vùng dân tộc thiểu số được chọn mẫu điều tra và các xã không có địa bàn được chọn mẫu điều tra nhưng là xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 theo quy định tại Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Các thông tin này là cơ sở để đánh giá điều kiện kinh tế - xã hội của các xã, phường, thị trấn (viết gọn là xã) nơi đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống. Dưới đây, dựa trên kết quả điều tra sẽ cung cấp những đặc điểm kinh tế - xã hội cơ bản của vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

1. Thông tin chung

1.1. Tổng số xã, thôn (bản, tổ dân phố, …) vùng dân tộc thiểu số

Trong điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, toàn bộ 100% (195/195) số xã, phường, thị trấn của tỉnh Hà Giang thuộc vùng dân tộc thiểu số và toàn tỉnh có 2.071 thôn, bản, tổ dân phố vùng dân tộc thiểu số.

1.2. Doanh nghiệp, hợp tác xã cơ sở chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản; cơ sở dạy nghề vùng dân tộc thiểu số

Toàn tỉnh, tính đến ngày 01/10/2019, có 715 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản có trụ sở, chi nhánh hoặc cơ sở sản xuất đang hoạt động và đóng tại địa bàn xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi. So với cả nước và vùng Trung du và miền núi phía Bắc, số doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản vùng dân tộc thiểu số của Hà Giang chiếm tỷ trọng tương ứng là: 1,6% và 3,7%. Trong tổng số số doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản vùng dân tộc thiểu số của tỉnh có: 65,2% số doanh nghiệp và cơ sở chế biến nông sản; 34,1% số doanh nghiệp và cơ sở chế biến lâm sản; 0,7% số doanh nghiệp và cơ sở chế biến thủy sản.

Về cơ sở dạy nghề vùng dân tộc thiểu số, toàn tỉnh chỉ có 14 cơ sở, trung bình mỗi huyện, thành phố có 1,3 cơ sở. Tuy nhiên, có hai huyện là Xín Mần và Quang Bình không có cơ sở dạy nghề nào.

2. Cơ sở hạ tầng

2.1. Điện

Có 94,5% số thôn, bản, tổ dân phố (viết gọn là thôn) thuộc xã vùng dân tộc thiếu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã được tiếp cận điện, đặc biệt là điện lưới quốc gia (91%). So với cả nước, vùng Trung du và miền núi phía Bắc thì tỷ lệ thôn có điện của Hà Giang thấp hơn tương ứng là: 4,0% và 2,9%.

Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn còn 5,5% số thôn không có điện. Tỷ lệ thôn không có điện cao nhất là huyện Mèo Vạc (23,6%); tiếp đến Bắc Mê (11,5%), Vị Xuyên (6,1%), Đồng Văn (5,8%), Yên Minh (3,9%), Bắc Quang (2,5%), Quản Bạ (1,9%), Hoàng Su Phì và Xín Mần (0,5%); Thành phố Hà Giang và Quang Bình không còn thôn nào không có điện. Một điểm đáng chú ý, mặc dù là khu vực thành thị nhưng thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê hiện vẫn còn 3 thôn chưa có điện.

Hình 1: Tỷ lệ thôn thuộc các xã vùng dân tộc thiểu số theo tình trạng tiếp cận điện, đơn vị hành chính cấp huyện, thành phố, Hà Giang, 2019

Đơn vị: %

So với các tỉnh trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, tỷ lệ thôn thuộc các xã vùng dân tộc thiểu số của Hà Giang có điện xếp thứ 13, chỉ đứng trên có tỉnh Điện Biên. Ở chiều ngược lại, tỷ lệ thôn không có điện của Hà Giang cao thứ 2 trong 14 tỉnh của khu vực.

2.2. Đường giao thông

Tỷ lệ km theo loại đường giao thông từ trung tâm xã đến trung tâm huyện, thành phố thuộc tỉnh của Hà Giang đạt 99,3%, trong đó tỷ lệ đường nhựa là 88,5%; Bê tông là 6,5%; và rải sỏi đá là 4,3%. Toàn tỉnh chỉ còn 0,7% số km đường giao thông từ trung tâm xã đến trung tâm huyện, thành phố thuộc tỉnh chưa được cứng hóa.

So với các tỉnh trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc thì tỷ lệ cứng hóa đường giao thông từ trung tâm xã đến trung tâm huyện, thành phố thuộc tỉnh của Hà Giang xếp thứ 8, xếp trên các tỉnh: Lào Cai, Hòa Bình, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn; và xếp sau các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lai Châu, Phú Thọ.

Nếu xét tỷ lệ đường giao thông đã được nhựa hóa từ trung tâm xã đến trung tâm huyện, thành phố thuộc so với các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc thì Hà Giang xếp thứ 6, xếp sau các tỉnh: Lào Cai, Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang; và xếp trên các tỉnh: Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Thọ, Điện Biên.

Toàn tỉnh có 9/11 huyện, thành phố đường giao thông từ trung tâm xã đến trung tâm huyện, thành phố đã được cứng hóa 100%, chỉ còn hai huyện chưa đạt 100% là Bắc Mê (92,3%) và Hoàng Su Phì (99,0%), chủ yếu tập trung ở huyện Bắc.

Nếu xét tỷ lệ km đường giao thông đã được nhựa hóa từ trung tâm xã đến trung tâm huyện, thành phố thì toàn tỉnh có thành phố Hà Giang và huyện Quản Bạ đã đạt 100%; tiếp đến là các huyện: Bắc Quang (97,5%); Vị Xuyên (95%); Đồng Văn (94,9%); Yên Minh (93,6%); Xín Mần (91,6%); Quang Bình (84,8%); Bắc Mê (84,6%); Hoàng Su Phì (70,9%); và thấp nhất là huyện Mèo Vạc, tỷ lệ này mới đạt 63,3%.

2.3. Nhà văn hóa/sinh hoạt cộng đồng

Gần một nửa số xã và hơn hai phần ba số thôn vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã có nhà văn hóa/sinh hoạt cộng đồng.

Nhà văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Đây là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động sinh hoạt cộng đồng như văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, phổ biến thông tin của cộng đồng người dân tộc thiểu số, qua đó góp phần lưu giữ và bảo tồn văn hóa của các dân tộc cũng như củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân. Kết quả điều tra trên địa bàn tỉnh cho thấy, năm 2019, toàn tỉnh có 46,7% số xã có nhà văn hóa/sinh hoạt cộng đồng, so với cả nước thấp hơn 19,1 điểm phần trăm và so với vùng Trung du và miền núi phía Bắc thấp hơn 14,3 điểm phần trăm. Tỷ lệ xã có nhà văn hóa/sinh hoạt cộng đồng của Hà Giang chỉ cao hơn các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn và thấp hơn các tỉnh Điện Biên, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.

Hình 2: Tỷ lệ xã có nhà văn hóa/sinh hoạt cộng đồng, các tỉnh trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, Hà Giang, 2019

Đơn vị: %

Thành phố Hà Giang toàn bộ các xã, phường không có nhà văn hóa/sinh hoạt cộng đồng. Sở dĩ như vậy, do thành phố là Trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh nên đã có các thiết chế văn hóa phục vụ các hoạt động cộng đồng chung của nhân dân trên địa bàn như: Trung tâm văn hóa tỉnh, Trung tâm văn hóa thành phố, Bảo tàng, Thư viện, Quảng trường, …; mặt khác, do quỹ đất hẹp hoặc không có quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa/sinh hoạt động cộng đồng cho từng xã, phường nên việc xây dựng thiết chế văn hóa này không hiệu quả. Huyện Xín Mần có 100% số xã có nhà văn hóa/sinh hoạt cộng đồng, cao nhất trong các huyện trên địa bàn tỉnh; tiếp đến là huyện Quang Bình (86,7%), Bắc Quang (69,6%), Quản Bạ (69,2%), …; và thấp nhất là huyện Yên Minh chỉ có 5,6% số xã có nhà văn hóa/sinh hoạt cộng đồng.

Đối với tỷ lệ thôn có nhà văn hóa/sinh hoạt cộng đồng thì huyện Bắc Quang có tỷ lệ cao nhất là 98,7%; tiếp đến là các huyện: Vị Xuyên (96,9%), Quang Bình (93,3%); Quản Bạ (87,9%); Bắc Mê (84,7%), …; và thấp nhất là huyện Hoàng Su Phì chỉ có 36,2% số thôn của toàn huyện có nhà văn hóa/sinh hoạt cộng đồng.


2.3. Trạm y tế, nhân lực tế của trạm và y tế thôn, bản

2.3.1. Trạm y tế

Toàn tỉnh có 184 xã đã có trạm y tế, đạt tỷ lệ 94,4%, thấp nhất trong các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Hiện trên địa bàn tỉnh còn 11 xã chưa có trạm y tế, gồm: Đường Âm huyện Bắc Mê; Đồng Yên và Liên Hiệp huyện Bắc Quang; Lũng Phìn huyện Đồng Văn; Chiến Phố huyện Hoàng Su Phì; Niêm Sơn và Xín Cái huyện Mèo Vạc; Bạch Ngọc huyện Vị Xuyên; Ngán Chiên huyện Xín Mần; Lũng Hồ và Mậu Duệ huyện Yên Minh. Các xã không có trạm y tế là do đã sáp nhập vào Trung tâm y tế huyện hoặc Phòng khám đa khoa khu vực.


Mặc dù tỷ lệ xã có trạm y tế của Hà Giang đạt thấp nhất trong các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc nhưng tỷ lệ xã có trạm y tế đạt chuẩn của Hà Giang lại xếp thứ hai trong khu vực (97,3%), chỉ xếp sau Bắc Giang (97,9%); tỷ lệ xã có trạm y tế xây dựng kiên cố của Hà Giang đạt 98,4%, cao nhất trong vùng. Hiện trên địa bàn tỉnh không còn trạm y tế nào xây dựng thiếu kiên cố và đơn sơ, trong khi đó Tuyên Quang hiện còn 3,7%; Điện Biên còn 2,3%; Cao Bằng còn 1,0%; Lạng Sơn còn 0,9%; Bắc Giang và Sơn La còn  0,5% trạm y tế xã xây dựng thiếu kiên cố và đơn sơ.

Trên địa bàn tỉnh có 3/11 huyện, thành phố là thành phố Hà Giang, huyện Quản Bạ và Quang Bình đạt 100% số xã có trạm y tế; có 8/11 huyện, thành phố là huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Quang Bình, Vị Xuyên, Xín Mần, Yên Minh và thành phố Hà Giang đạt 100% số trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia; có 9/11 huyện đạt 100% số trạm y tế xây dựng kiên cố, chỉ còn thành phố Hà Giang và Quang Bình chưa đạt 100% số trạm y tế xây dựng kiên cố.


Tỷ lệ xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế của tỉnh đạt 97,3%, trong đó: các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Quang Bình, Vị Xuyên, Xín Mần, Yên Minh, thành phố Hà Giang có 100% số xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế; huyện Bắc Mê (91,7%), Bắc Quang (90,5%), Hoàng Su Phì (91,7%).  Tỷ lệ này của Hà Giang thuộc nhóm đứng đầu các tỉnh trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, chỉ xếp sau có Bắc Giang (97,9%) và xếp trên các tỉnh Thái Nguyên (96,3%), Lao Cai (92,1%), Phú Thọ (86,2%), Bắc Kạn (82%), Tuyên Quang (77,9%), Lai Châu (75,9%), Yên Bái (74,4%), Sơn La (70,1%), Hoà Bình (66,2%), Điện Biên (64,6%), Lạng Sơn (54,4%), Cao Bằng (54%).

Hình 3: Tỷ lệ xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế, các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, Hà Giang, 01/10/2019

Đơn vị: % 

2.3.2. Nhân lực của trạm y tế cấp xã 

Tại các trạm y tế trên toàn tỉnh, tính đến thời điểm 01/10/2019 có 942 người gồm lãnh đạo, nhân viên y tế đang làm việc. Trong đó, số người có trình độ chuyên môn Bác sỹ chiếm 14,5%; Y sỹ/Y tá/Điều dưỡng viên chiếm 57,9%; Nữ hộ sinh chiếm 18,8%; Dược sỹ chiếm 7,1%; Dược tá chiếm: 0,2%; và nhân viên khác chiếm 1,5%.


Toàn tỉnh có 130/184 trạm y tế có bác sỹ, đạt tỷ lệ 70,7%, tăng 23,9 điểm phần trăm so với năm 2015, tuy nhiên vẫn thấp hơn 6,5 điểm phần trăm so với cả nước và 2,7 điểm phần trăm so với vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Huyện Bắc Quang có tỷ lệ trạm y tế có bác sỹ đạt cao nhất 95,2%; tiếp đến là các huyện: Quang Bình (86,7%), Quản Bạ (84,6%), Bắc Mê (83,3%), Yên Minh (68,8%), Đồng Văn (66,7%), Xín Mần (66,7%), Vị Xuyên (65,2%), Hoàng Su Phì (62,5%), Mèo Vạc (56,3%); và thấp nhất là thành phố Hà Giang (25%).

Sở dĩ thành phố Hà Giang có tỷ lệ trạm y tế có bác sỹ đạt thấp nhất do có Bệnh viên đa khoa tỉnh, Bệnh viện tư nhân, nhiều phòng khám tư nhân, …nên trạm y tế tại các phường không bố trí bác sỹ thực hiện khám chữa bệnh mà chỉ bố trí bác sỹ tại trạm y tế của 2 xã Phương Độ và Phương Thiện.  

Hình 4: Tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ chia theo đơn vị hành chính cấp huyện, Hà Giang, 2019

Đơn vị: %

Xem xét tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ của các tỉnh trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc thì Hà Giang xếp thứ 6/14; xếp trên các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Điện Biên; xếp sau các tỉnh Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang.

Hình 5: Tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ của các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, 2019

Đơn vị: %


2.3.2. Nhân viên y tế thôn, bản

Kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 cho thấy, 91,5% thôn thuộc các xã vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có nhân viên y tế thôn, bản; cao hơn so với mức của cả nước 8 điểm phần trăm và thấp hơn so với mức của vùng Trung du và miền núi phía Bắc 2,5 điểm phần trăm. So với năm 2015, tỷ lệ thôn có nhân viên y tế giảm 1,2 điểm phần trăm, nguyên nhân chủ yếu do một số thôn mới tách ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn chưa bổ sung, bố trí, sắp xếp được.

Tỷ lệ này của Hà Giang xếp thứ 10/14 tỉnh trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, xếp trên các tỉnh: Lào Cai (74,5%), Yên Bái (85,0%), Hòa Bình (86,3%), Điện Biên (88,0%); và xếp sau các tỉnh: Lai Châu (92,3%), Lạng Sơn (95,9%), Thái Nguyên (97,7%), Tuyên Quang (98,4%), Sơn La (98,7%), Bắc Giang (98,7), Bắc Kạn (98,9%), Cao Bằng (99,4%), Phú Thọ (100%).

Tỷ lệ thôn có nhân viên y tế của huyện Quang Bình đạt cao nhất, 100% số thôn có nhân viên y tế; tiếp đến là huyện Bắc Quang (97,9%), Xín Mần (97,9%), Mèo Vạc (97,5%), Yên Minh (96,8%), Bắc Mê (96,4%), Quản Bạ (96,3%), Hoàng Su Phì (94%), Đồng Văn (88,9%), Vị Xuyên (87,7%); và thấp nhất là thành phố Hà Giang chỉ có 25,7% số thôn có nhân viên y tế, nguyên nhân do thành phố Hà Giang là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh có Bệnh viên đa khoa tỉnh, Bệnh viện tư nhân, nhiều phòng khám tư nhân, …nên việc bố trí nhân viên y tế thôn là không cần thiết và không hiệu quả.

2.4. Trường học

2.4.1. Số trường học và điểm trường

Trên địa bàn toàn tỉnh có 756 trường học, trong đó: Mầm non: 223 trường; Tiểu học: 184 trường; Trung học cơ sở: 150 trường; Trung học phổ thông: 20 trường;  Phổ thông cấp 1 và cấp 2: 28 trường; Phổ thông cấp 2 và cấp 3: 8 trường; Dân tộc nội trú: 13 trường; Dân tộc bán trú: 30 trường; Trung tâm giáo dục thường xuyên: 10 trung tâm; Trung tâm giáo dục cộng đồng: 88 trung tâm; Trường khác: 2 trường.

Tỷ lệ trường học kiên cố toàn tỉnh đạt 93%, cao hơn so với mức chung của cả nước 1,7 điểm phần trăm; cao hơn so với mức của vùng Trung du và miền núi phía Bắc 2,2 điểm phần trăm. Tỷ lệ này của Hà Giang xếp thứ 6/14 trong các tỉnh của vùng Trung du và miền núi phía Bắc; xếp sau các tỉnh Hòa Bình (98,1%), Bắc Giang (97,9%), Phú Thọ (97,1%), Sơn La (95,4%), Điện Biên (94,1%); và xếp trên các tỉnh Lào Cai (91,5%), Thái Nguyên (91,4%), Yên Bái (90,8%), Lai Châu (89,5%), Lạng Sơn (86,8%), Cao Bằng (85,4%), Tuyên Quang (77,4%), Bắc Kạn (69,9%). Các loại hình trường học như Trung học phổ thông, Phổ thông cấp 2 và cấp 3, Dân tộc nội trú, Dân tộc bán trú, Trung tâm giáo dục thường xuyên và Trướng khác đã được kiên cố hóa 100%; các loại hình trường học còn lại mức độ kiên cố hóa đều đạt từ 84% trở lên. Vị Xuyên là huyện có tỷ lệ trường học kiên cố hóa đạt mức cao nhất (99,1%), tiếp đến là các huyện Quang Bình (98,0%), Hoàng Su Phì (97,6%), thành phố Hà Giang (97,5%), Yên Minh (95,0%), Quản Bạ (93,3%), Đồng Văn (89,2%), Xín Mần (88,8%), Bắc Mê (88,7%), Bắc Quang (88,1%) và thấp nhất là huyện Mèo Vạc (86,9%).

Tỷ lệ phòng học kiên cố hóa toàn tỉnh đạt 88,1%, trong đó: Trường trung học phổ thông, Trường phổ thông cấp 2 và cấp 3, Dân tộc nội trú, Trường khác có tỷ lệ phòng học kiên cố hóa đạt 100%; Trường Mầm non có tỷ lệ phòng học kiên cố hóa đạt thấp nhất là 77,2%; các loại hình trường học còn lại tỷ lệ phòng học kiên cố hóa đều đạt từ 83% trở lên.

Tỷ lệ phòng học kiên cố hóa của Hà Giang thấp hơn so với mức chung của cả nước chỉ có 0,5 điểm phần trăm, đồng thời cao hơn mức của vùng Trung du và miền núi phía Bắc 2 điểm phần trăm.


Tỷ lệ phòng học kiên cố của Hà Giang xếp thứ 4/14 tỉnh trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, xếp trên các tỉnh Cao Bằng (86,4%), Yên Bái (86,0%), Thái Nguyên (85,6%), Lao Cai (84,9%), Lạng Sơn (84,0%), Lai Châu (82,6%), Sơn La (81,0%), Điện Biên (75,4), Tuyên Quang (74,2%), Bắc Kạn (74,0%); và xếp sau các tỉnh Bắc Giang (94,6%), Phú Thọ (94,7%), Hòa Bình (97,0%).

Sở dĩ tỷ lệ trường học kiên cố và tỷ lệ phòng học kiên cố của Hà Giang đạt cao là nhờ chương trình đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ của tỉnh Hà Giang để thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, đặc biệt là đối với cấp học Mầm non, Tiểu học trên địa bàn giai đoạn 2017 - 2020. Tỉnh Hà Giang đã quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện. Rà soát quy hoạch để bố trí công trình cho phù hợp với quy mô phát triển giáo dục ở địa phương; một số địa phương đã quan tâm bố trí kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng, hỗ trợ di dời tài sản cho nhân dân. Các cơ quan quản lý nhà nước đã chủ động tham mưu của UBND tỉnh trong việc xây dựng kế hoạch, thường xuyên đi cơ sở kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện xây dựng công trình; phối hợp với UBND các huyện đưa ra các phương án, giải pháp để tổ chức thực hiện có hiệu quả nhất, đồng thời có biện pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nắm bắt thông tin các công trình dự án được đầu tư xây dựng ở địa phương và được nhân dân đồng thuận, nhất trí cao. Nhiều hộ dân đã đồng tình hiến đất hoặc tham gia đóng góp ngày công lao động để san ủi mặt bằng xây dựng trường, lớp khang trang, sạch đẹp hơn. Tổng mức đầu tư cho chương trình trong giai đoạn là 550,432 tỷ đồng (trong đó vốn trái phiếu Chính phủ là 485 tỷ đồng, ngân sách địa phương 65,432tỷ đồng).

Kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số cho thấy trên địa bàn toàn tỉnh có 2.144 điểm trường, trong đó: 1.194 điểm trường Mầm non; 917 điểm trường Tiểu học; 3 điểm trường Trung học cơ sở. Tỷ lệ điểm trường kiên cố mới chỉ đạt 22,9%; thấp hơn mức của cả nước 31,6 điểm phần trăm và thấp hơn so với mức của vùng Trung du và miền núi phía Bắc 23,1 điểm phần trăm. Tỷ lệ phòng học kiên cố hóa của điểm trường đạt 26,6%, thấp hơn so với mức của cả nước và của vùng tương ứng là: 38,9% và 27,2%.

2.4.2 Giáo viên

Toàn tỉnh có tổng số 17.547 giáo viên đang giảng dạy tại các trường học và điểm trường vùng dân tộc thiểu số. Hơn một nửa số giáo viên là người dân tộc thiểu số và gần một nửa số giáo viên nữ là người dân tộc thiểu số. Trong tổng số giáo viên: không có giáo viên có trình độ dưới Trung học phổ thông; 0,02% giáo viên trình độ Trung học phổ thông; 21,7% giáo viên có trình độ Trung cấp; 17,3% giáo viên có trình độ Cao đẳng; 60,2% giáo viên có trình độ Đại học; và 0,8% giáo viên có trình độ trên Đại học.


Thành phố Hà Giang có tỷ lệ giáo viên đạt trình độ đại học trở lên cao nhất là 85%; tiếp đến là huyện Quản Bạ (71,9%), Quang Bình (70,3%), Bắc Quang (69,1%), Bắc Mê (66%), Vị Xuyên (65,6%), Yên Minh (59%), Xín Mần (48,3%), Mèo Vạc (47,8%), Đồng Văn (45,9%); và thấp nhất là huyện Hoàng Su Phì chỉ có 45% giáo viên có trình độ đại học trở lên. Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn còn 39% giáo viên có trình độ từ Cao đẳng trở xuống, tập trung chủ yếu ở các huyện Xín Mần (55%), Quản Bạ (54,1%), Quang Bình (52,2%), Mèo Vạc (51,7%), Bắc Quang (41%), Vị Xuyên (34,4%), …Đặc biệt, toàn tỉnh vẫn còn 0,02% giáo viên có trình độ Trung học phổ thông, ở huyện Bắc Quang và Quản Bạ.

Tỷ lệ giáo viên có trình độ Đại học trở lên của Hà Giang xếp thứ 7/14 trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc; xếp trên các tỉnh Lào Cai (58,6%), Bắc Kạn (55,7%), Lai Châu (54,6%), Cao Bằng (54,5%), Lạng Sơn (53,5%), Hoà Bình (51,9%), Tuyên Quang (45,9%); và xếp sau các tỉnh Sơn La (65,1%), Yên Bái (65,7%), Bắc Giang (67,6%), Điện Biên (69%), Thái Nguyên (73,5%), Phú Thọ (80,7%).

Hình 6: Tỷ trọng giáo viên có trình độ Đại học trở lên và dưới trình độ Đại học, các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Hà Giang, 01/10/2019

Đơn vị: %

3. Các vấn đề xã hội

3.1. Tình trạng du canh du cư

Du canh du cư là một tập quán sinh sống, một thói quen đã tồn tại từ lâu đời, ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Trong nhiều những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành và thực thi rất nhiều chương trình, giải pháp tích cực, có hiệu quả nhằm giải quyết vấn đề du canh du cư; giúp đồng bào dân tộc thiểu số có nhà ở, có đất canh tác hoặc việc làm ổn định, giảm dần đói nghèo, góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Đến nay, tình trạng du canh du cư trên địa bàn tỉnh cũng như vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã giảm mạnh nhưng theo kết quả điều tra cho thấy, năm 2018 vẫn xảy ra tình trạng hộ dân tộc thiểu số du canh du cư với quy mô nhỏ.

Năm 2018, tổng số hộ dân tộc thiểu số và số người dân tộc thiểu số du canh của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc tương ứng là: 137 hộ với 753 người; trong đó: Bắc Giang: 12 hộ với 231 nhân khẩu; Hoà Bình: 43 hộ với 145 người; Hà Giang: 17 hộ với 96 người; Cao Bằng: 16 hộ với 76 người; Sơn La: 15 hộ với 75 người; Điện Biên: 7 hộ với 30 người; Yên Bái: 8 hộ với 30 người; Bắc Kạn: 6 hộ với 25 người; Lào Cai: 7 hộ với 24 người; Lạng Sơn: 4 hộ với 12 người; Thái Nguyên: 2 hộ với 9 người; có 3 tỉnh không có người dân tộc thiểu số di cư là Lai Châu, Tuyên Quang và Phú Thọ.

Trên địa bàn tinh Hà Giang, số hộ và số người dân tộc thiểu số du canh du cư tập trung ở xã Minh Sơn huyện Bắc Mê (15 hộ với 89 người) và xã Tân Trịnh huyện Quang Bình (2 hộ với 7 người).

3.2. Tình trạng nghèo và cận nghèo

Trong những năm qua, các chương trình, chính sách xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam nói chung, ở tỉnh Hà Giang nói riêng được thực hiện rất hiệu quả và đã đạt được nhiều thành tựu trong trong lĩnh vực giảm nghèo. Tuy nhiên, đối với vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn tương đối cao.

 Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số, năm 2018 toàn tỉnh vẫn còn 30,9% hộ dân tộc thiểu số nghèo. Tỷ lệ này có sự khác biệt khá lớn giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh: Dân tộc Phù Lá có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất trên địa bàn tỉnh, tiếp đến là các dân tộc Pà Thẻn, Mông, Sán Dìu, La Chí, Lô Lô, Nùng, Cơ Lao, Dao, Pu Péo, Giáy, Hoa, Tày, Bố Y, Sán Chay, Mường. Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số nghèo của Hà Giang cao hơn 8,6 điểm phần trăm so với cả nước (30,9% so với 20,3%) và cao hơn 5,4 điểm phần trăm so với vùng Trung du và miền núi phía Bắc (30,9% so với 25,5%).

Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số nghèo của Hà Giang xếp thứ 11/14 tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, cao hơn các tỉnh Thái Nguyên (10,3%), Phú Thọ (14,7%), Lạng Sơn (17,1%), Bắc Giang (18,2%), Hòa Bình (19,3%), Bắc Kạn (23,4%), Lào Cai (23,8%), Tuyên Quang (24,3%), Yên Bái (30,3%), Sơn La (30,7%); và thấp các tỉnh Lai Châu (31,5%), Cao Bằng (32,1%), Điện Biên (46,9%).

Hình 7: Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số nghèo chung toàn tỉnh và chia theo dân tộc thiểu số, Hà Giang, 2018

Đơn vị: %


Theo đơn vị hành chính cấp huyện, thành phố, năm 2018, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số nghèo huyện Đồng Văn cao nhất là 55,2%; tiếp đến là các huyện: Mèo Vạc (51,6%); Xín Mần (45,9%), Hoàng Su Phì (43,5%), Quản Bạ (39,4%), Bắc Mê (33,6%), Vị Xuyên (28,8%), Quang Bình (20%), Yên Minh (19,6%), Bắc Quang (11,3%); và thành phố Hà Giang có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số nghèo thấp nhất là 0,9%.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, năm 2018, toàn tỉnh có 12,9% hộ dân tộc thiểu số thuộc diện cận nghèo, thấp hơn so cả nước 0,3 điểm phần trăm và thấp hơn so với vùng Trung du và miền núi phía Bắc 0,7 điểm phần trăm. Khoảng cách giữa các dân tộc về tỷ lệ này đã được thu hẹp hơn so với tỷ lệ nghèo. Dân tộc Sán Dìu có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số cận nghèo cao nhất là 36,6%; tiếp đến là các dân tộc: Pà Thẻn (20,8%), Pu Péo (19,0%), Bố Y (17,7%), Phù Lá (17,6%), Dao (16,5%), Mông (15,1%), Lô Lô (14,4%), Nùng (12,5%), La Chí (11,8%), Cơ Lao (10,6%), Hoa (9,1%), Tày (8,8%), Giáy (6,9%), Mường (0,7%); và dân tộc Sán Chay có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số thuộc diện cận nghèo thấp nhất, chỉ có 0,5%. Huyện Bắc Mê có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số thuộc diện cận nghèo cao nhất (23,6%); tiếp đến là các huyện: Quản Bạ, Đồng Văn, Vị Xuyên, Xín Mần, Hoàng Su Phì, Quang Bình, Bắc Quang, Yên Minh, Mèo Vạc; và thành phố Hà Giang có tỷ lệ này thấp nhất là 2,2%.

Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số cận nghèo của Hà Giang thấp hơn khá nhiều so với các tỉnh trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ này của Hà Giang thấp hơn các tỉnh: Hòa Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Giang, Phú Thọ, Sơn La và chỉ cao hơn các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Điện Biên, Thái Nguyên.

Hình 8: Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số cận nghèo, Hà Giang, các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, 2018

Đơn vị: %


3.3. Người già cô đơn không nơi nương tựa và hỗ trợ hộ dân tộc thiểu số

Toàn tỉnh vẫn còn 496 người già cô đơn không nơi nương tựa đang cư trú rải rác tại 113 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Vị Xuyên là các huyện có số người già cô đơn không nơi nương tựa cao nhất trong tỉnh. Đây là những người từ 60 tuổi trở lên đang cư trú trong các hộ nghèo và không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng đang được hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng. Hầu hết những người già cô đơn không nơi nương tựa hiện đang sống ở khu vực nông thôn, chiếm gần 96%.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã không ngừng nỗ lực triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số. Các chính sách này đã góp phần thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội của các vùng dân tộc thiểu số. Kết quả điều tra cho thấy, năm 2018, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số được hỗ trợ tiền hoặc hiện vật là 36,8%, tương ứng toàn tỉnh có 65.070 hộ dân tộc dân tộc thiểu số được hỗ trợ tiền hoặc hiện vật với tổng số tiền/vật chất quy đổi ra tiền các hộ dân tộc thiểu số được nhận hỗ trợ là 113,663 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số được hỗ trợ có sự chênh lệch tương đối cao giữa các đơn vị hành chính cấp huyện, thành phố. Huyện Quản Bạ có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số được hỗ trợ cao nhất là 66,1%; tiếp đến là các huyện: Xín Mần (66,1%), Mèo Vạc (59,5%), Hoàng Su Phì (56,1%), Đồng Văn (49%), Vị Xuyên (37,3%), Bắc Mê (36%), Yên Minh (22,2%), Quang Bình (16,5%), Bắc Quang (13,5%); và thành phố Hà Giang thấp nhất chỉ có 8% hộ dân tộc thiểu số được nhận hỗ trợ. Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số ở khu vực nông thôn nhận được hỗ trợ cao gấp hơn 3 lần ở khu vực thành thị, số tiền hộ dân tộc thiểu số ở khu vực nông thôn nhận được hỗ trợ cao gấp hơn 14 lần ở khu vực thành thị.

Trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, Tuyên Quang là tỉnh dẫn đầu trong việc hỗ trợ các dân tộc thiểu số, với tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số nhận được sự hỗ trợ lên tới 51%; tiếp đến là các tỉnh: Cao Bằng (48,5%), Phú Thọ (47,8%), Lao Cai (47,7%), Lai Châu (46,7%), Điện Biên (40%), Hà Giang (36,8%), Hòa Bình (34,1%), Yên Bái (33,8%), Bắc Kạn (32,9%), Sơn La (30,3%), Lạng Sơn (28,4%), Bắc Giang (20,8%); và thấp nhất là Thái Nguyên (19,4%).

3.4. Tình hình sử dụng ma túy và nhiễm HIV/AIDS

Có 324 người dân tộc thiểu số nghiện ma túy và 253 người dân tộc thiểu số nhiễm HIV/AIDS, chiếm tỷ trọng trong tổng số người nhiễm may túy và HIV/AIDS của toàn tỉnh tương ứng là 46,4% và 38,2%. Tỷ trọng người nghiện ma túy là người dân tộc thiểu số ở khu vực thành thị cao gấp 1,9 lần ở khu vực nông thôn; tỷ trọng nhiễm HIV/AIDS là người dân tộc thiểu số ở khu vực thành thị cao gấp 1,7 lần ở khu vực nông thôn.

Huyện Bắc Quang, thành phố Hà Giang, huyện Vị Xuyên, huyện Bắc Mê, huyên Quang Bình là những đơn vị hành chính có số người nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS nói chung và người dân tộc thiểu số nói riêng cao trên địa bàn tỉnh.


Trong các tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc thì Điện Biên là tỉnh có số người nghiện ma túy của các xã, phường thị trấn vùng dân tộc thiểu số cao nhất; tiếp đến là các tỉnh: Sơn La, Lào Cai, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lai Châu, Yên Bái, Lạng Sơn, Hòa Bình, Bắc Giang, Bắc Kạn, Phú Thọ, Tuyên Quang; và thấp nhất là Hà Giang. Về số người nhiễm HIV/AIDS vùng dân tộc thiểu số thì Sơn La là tỉnh cao nhất; tiếp đến là các tỉnh: Điện Biên, Yên Bái, Thái Nguyên, Lào Cai, Lai Châu, Hòa Bình, Lạng Sơn, Phú Thọ, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng; và thấp nhất là Bắc Giang.


3.5. Địa điểm sinh hoạt tôn giáo

Toàn tỉnh chỉ có 93 nơi sinh hoạt tôn giáo, trong đó chia theo dân tộc: Phật giáo 11 nơi sinh hoạt; Công giáo 6 nơi sinh hoạt; Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam 76 nơi sinh hoạt. Số nơi sinh hoạt tôn giáo nằm rải rác ở các huyện, thành phố: Hà Giang, Yên Minh, Vị Xuyên, Bắc Mê, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Quang, Quang Bình. Có 5 huyện không có nơi sinh hoạt tôn giáo là Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ.


Kết quả cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 đã phản ánh bức tranh tổng thể, cơ bản nhất những đặc điểm cơ bản về kinh tế - xã hội của vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Qua đó đáp ứng được phần nào những yêu cầu thông tin của các cấp, các ngành, các nhà hoạch định chính sách kinh tế - xã hội, những người làm công tác liên quan đến lĩnh vực về dân tộc thiểu số.

Tăng Bá Tuyên

Tin khác

KẾT QUẢ CHỦ YẾU ĐIỀU TRA LAO ĐỘNG VIỆC LÀM NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG (07/06/2021 14:59)

HÀ GIANG 30 NĂM TÁI LẬP TỈNH (1991 – 2021) QUA NHỮNG CON SỐ THỐNG KÊ (11/05/2021 15:43)

NHỮNG KẾT QUẢ CHỦ YẾU CỦA CUỘC ĐIỀU TRA BIẾN ĐỘNG DÂN SỐ VÀ KẾ HOẠCH HOÁ GIA ĐÌNH THỜI ĐIỂM 1/4/2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG (04/05/2021 15:12)

Thanh tra điều tra chăn nuôi thời điểm 1/4/2021tại huyện Đồng Văn (29/04/2021 14:23)

Tác động của dịch tả lợn Châu Phi đến sự phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Hà Giang (29/04/2021 10:17)

GIÁM SÁT ĐIỀU TRA BIẾN ĐỘNG DÂN SỐ VÀ KHHGĐ THỜI ĐIỂM 1/4/2021 TẠI HÀ GIANG (14/04/2021 16:06)

LAO ĐỘNG VÀ VIỆC LÀM CỦA NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ TỪ 15 TUỔI TRỞ LÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG QUA KẾT QUẢ ĐIỀU TRA THỰC TRẠNG KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA 53 DÂN TỘC THIỂU SỐ NĂM 2019 (07/04/2021 11:12)

NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC SAU 5 NĂM THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2016-2020 QUA SỐ LIỆU THỐNG KÊ (07/04/2021 10:41)

MỘT SỐ TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ VỀ NỘI DUNG PHƯƠNG PHÁP TẠM TÍNH TIÊU CHÍ SỐ 10 - THU NHẬP BÌNH QUÂN ĐẦU NGƯỜI/NĂM CỦA XÃ TRONG BỘ TIÊU CHÍ QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI CỦA TỔNG CỤC THỐNG KÊ (10/03/2021 14:59)

TÌNH HÌNH BIẾT ĐỌC, BIẾT VIẾT CHỮ PHỔ THÔNG VÀ BIẾT ĐỌC, BIẾT VIẾT CHỮ DÂN TỘC MÌNH CỦA NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ TỪ 15 TUỔI TRỞ LÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG QUA KẾT QUẢ ĐIỀU TRA THỰC TRẠNG KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA 53 DÂN TỘC THIỂU SỐ 2019 (19/02/2021 10:56)