Chủ nhật, Ngày 5 Tháng 5 Năm 2024

Tin chuyên ngành

Gửi Email In trang Lưu
DÂN SỐ CAO TUỔI VÀ CÁC ĐẶC TRƯNG CỦA DÂN SỐ CAO TUỔI Ở HÀ GIANG QUA KẾT QUẢ TỔNG ĐIỀU TRA DÂN SỐ VÀ NHÀ Ở 2019

15/09/2021 15:15

Theo Điều 2 của Luật người cao tuổi quy định: “Người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên”, nên trong bài viết này, dân số cao tuổi được hiểu là dân số từ 60 tuổi trở lên. Dân số cao tuổi (60 tuổi trở lên) là một bộ phận cấu thành quan trọng không thể thiếu trong tổng thể dân số. Dân số cao tuổi cùng với bộ phận dân số trẻ (0-14 tuổi) và bộ phận dân số trong độ tuổi lao động (15-59 tuổi) cấu thành nên tổng thể dân số của một quốc gia, một vùng hay một địa phương.

Khi bộ phận dân số cao tuổi trong tổng dân số của một quốc gia, một vùng hay một địa phương ngày càng tăng điều đó đồng nghĩa với sự già hóa dân số đang diễn ra đối với quốc gia, vùng hay địa phương địa phương đó. Hay nói một cách khác, già hóa dân số phản ánh quá trình chuyển đổi cơ cấu dân số theo hướng tăng tỷ trọng dân số già. Già hóa dân số nhanh và số lượng người cao tuổi ngày càng tăng đang tạo ra những cơ hội song hành với những thách thức cho nước ta nói chung và từng địa phương nói riêng. Vì vậy, việc nghiên cứu các đặc trưng của dân số cao tuổi sẽ giúp cho các cấp chính quyền, các nhà hoạch định chính sách có cơ sở đ đưa ra những quyết sách phù hợp, thích ứng với dân số già hóa. Điều này đòi hỏi phải có những thông tin, dữ liệu phản ánh sát thực về xu hướng thay đổi nhân khẩu và các đặc trưng quan trọng của người cao tuổi theo thời gian.

Trên cơ sở dữ liệu cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 (trước khi xảy đại dịch COVID-19 trên thế giới cũng như ở Việt Nam), dưới đây sẽ phân tích, cung cấp những thông tin về các khía cạnh nhân khẩu, kinh tế, xã hội của dân số cao tuổi (là những người từ 60 tuổi trở lên) thu thập được trong Tổng điều tra và dự báo dân số cao tuổi trên địa bàn tỉnh Hà Giang trong những năm tiếp theo.

1. Xu hướng tăng dân số cao tuổi và các đặc trưng nhân khẩu học của dân số cao tuổi ở Hà Giang

Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở, tại thời điểm 1/4 năm 2009 và 2019, tổng số dân của Hà Giang tương ướng là: 724.537 người và 854.679 người. Trong đó, dân số cao tuổi năm 2009 và năm 2019 tương ứng là: 46.077 người và 62.490 người. Trung bình trong giai đoạn 2009 - 2019, tổng dân số toàn tỉnh tăng 1,67%/năm thì dân số cao tuổi tăng 3,09%/năm, gấp gần 1,9 lần mức tăng bình quân năm của mức tăng dân số chung toàn tỉnh. Điều này cho thấy, xu hướng tăng dân số cao tuổi của Hà Giang trong 10 năm qua là tương đối cao và dự báo trong giai đoạn 2021-2045 tốc độ tăng dân số cao tuổi của Hà Giang sẽ cao hơn và số lượng người cao tuổi sẽ ngày càng tăng.

1.1. Cơ cấu tuổi và giới tính của dân số

Nghiên cứu dân số của Hà Giang theo cơ cấu tuổi và giới tính trong giai đoạn 2009-2019 cho thấy có những đặc điểm đáng chú ý về sự thay đổi:

Thứ nhất, tỷ lệ dân số trẻ em 0-14 tuổi trong tổng dân số tăng nhẹ từ 32,51% vào năm 2009 lên 32,96% vào năm 2019.

Thứ hai, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động 15-59 giảm từ 61,13% vào năm 2009 xuống 59,73% vào năm 2019.

Thứ ba, số lượng dân số cao tuổi và tỷ lệ dân số cao tuổi trong tổng dân số toàn tỉnh đều tăng lên rõ rệt và khoảng cách chênh lệch ngày càng lớn giữa phụ nữ cao tuổi và nam giới cao tuổi khi tuổi tăng lên.

Hình 1 thể hiện phân b dân số cao tuổi theo các nhóm tuổi từ sơ lão (60-69 tuổi) đến trung lão (70-79 tuổi) và đại lão (từ 80 tuổi trở lên). Sau 10 năm, tổng dân số cao tuổi tăng của Hà Giang thêm 16.413 người.

Hình 1: Phân bố dân số cao tuổi theo các nhóm tuổi, Hà Giang, 2009 và 2019

Đơn vị: Người 

Bảng 1, phản ánh chi tiết mức tăng/giảm của dân số cao tuổi trên địa bàn Hà Giang theo các nhóm tuổi. Có thể thấy, trong vòng 10 năm vừa qua, dân số thuộc nhóm tuổi đại lão trên địa bàn tỉnh có tốc độ tăng cao nhất, tiếp đến là dân số thuộc nhóm tuổi sơ lão và thấp nhất là dân số thuộc nhóm tuổi trung lão. Cụ thể, trong vòng 10 từ năm 2009 đến năm 2019: nhóm tuổi sơ lão (60-69) tăng thêm 8.573 người và tốc độ tăng bình quân năm là 2,89%/năm; nhóm tuổi trung lão (70-79 tuổi) 3.865 người và tốc độ tăng bình quân năm là 2,38%/năm; nhóm tuổi đại lão (80 tuổi trở lên) tăng thêm 3.975 người và tốc độ tăng bình quân năm là 5,59%/năm.

Hình 2 dưới đây giúp quan sát chi tiết về phân bố dân số cao tuổi theo các nhóm tuổi và giới tính trong hai cuộc Tổng điều tra. Sau 10 năm giữa hai cuộc Tổng điều tra, nam giới cao tuổi tăng thêm 5.492 người, trong khi đó nữ giới cao tuổi tăng 10.471 người. Cũng trong khoảng thời gian này, tổng dân số nam và dân số nữ tăng thêm tương ứng là 68.913 người và 61.229 người. Xét theo tốc độ tăng bình quân năm giai đoạn 2009-2019, tốc độ tăng của dân số nam là 1,75%/năm thì tốc độ tăng của dân số cao tuổi nam giới là 2,80% và con số tương ứng cho dân số nữ là 1,58% và 3,29%.

Hình 2: Phân bố dân số cao tuổi theo nhóm tuổi và giới tính, Hà Giang, 2009 và 2019

 

Đơn vị: Người

Bảng 2 cho thấy, dân số cao tuổi của Hà Giang tăng đều ở tất cả các nhóm tuổi và giới tính. Ở nhóm tuổi sơ lão (60-69 tuổi), tốc độ tăng bình quân năm tương ứng theo giới tính (nam, nữ) là 2,73% và 3,02%; nhóm tuổi trung lão (70-79 tuổi), tốc độ tăng bình quân năm tương ứng theo giới tính (nam, nữ) là 2,11% và 2,55%; nhóm tuổi đại lão, có tốc độ tăng bình quân năm đạt cao nhất, theo giới tính (nam, nữ) tương ứng là 5,44% và 5,64%.

1.2. Phân bố dân số cao tuổi

Hình 3, cho thấy phân bổ dân số cao tuổi năm 2009 và năm 2019 theo nhóm tuổi và khu vực sống (thành thị và nông thôn). Do quá trình đô thị hóa nên tỷ lệ dân số cao tuổi sống ở nông thôn giảm từ 87,41% vào năm 2009 xuống 81,41% vào năm 2019 (hay tương ứng tỷ lệ dân số cao tuổi sống ở thành thị tăng từ 12,59% vào năm 2009 lên 18,59% vào năm 2019). Ở cả hai cuộc Tổng điều tra, với cả nam giới và nữ giới cao tuổi, tỷ lệ sống ở thành thị thấp hơn với những nhóm người cao tuổi trẻ tuổi hơn. Điều này cũng có nghĩa là càng cao tuổi thì tỷ lệ người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn càng tăng lên. Đây là một xu hướng phân bố dân số quan trọng khi xây dựng, quy hoạch các chính sách, dịch vụ dành cho người cao tuổi, đặc biệt là nhóm đại lão với các yếu tố kinh tế, sức khỏe thể hiện nhu cầu cần chăm sóc, …

Hình 3: Phân bố dân số cao tuổi theo nhóm tuổi và khu vực sinh sống, Hà Giang, 2009 và 2019

Đơn vị: %

Những biến động về cơ cấu dân số theo tuổi trên đây gợi mở một vấn đề đang đặt ra, rất đáng quan tâm, đó là tỷ số giới tính giữa phụ nữ và nam giới cao tuổi bởi đây là chỉ số thể hiện nhiều vấn đề liên quan như sắp xếp cuộc sống, người chăm sóc phụng dưỡng, dịch vụ y tế, tỷ lệ góa vợ/chồng, ... Hình 4 dưới đây, cho thấy tỷ số giới tính (là tỷ số cho biết cứ 100 nam giới cao tuổi thì có bao nhiêu phụ nữ cao tuổi ở trong cùng nhóm tuổi) có xu hướng giảm theo thời gian ở tất cả các nhóm tuổi. Khi nhóm tuổi càng cao, tỷ số giới tính càng thấp, nghĩa là tuổi càng cao thì càng có nhiều phụ nữ hơn nam giới. Sau 10 năm, từ năm 2009 đến năm 2019, ở nhóm tuổi sơ lão, tỷ số giới tính giảm từ 78,5 xuống còn 76,4; ở nhóm tuổi trung lão, tỷ số giới tính giảm từ 63,0 xuống còn 60,3; và ở nhóm tuổi đại lão, tỷ số giới tính giảm từ 40,2 xuống còn 39,5. Một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể là do sự khác biệt về tỷ suất chết giữa nam giới và phụ nữ cao tuổi càng lớn khi tuổi càng cao. Thực trạng nữ hóa dân số cao tuổi trên địa bàn tỉnh trong 10 năm qua đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm khi thiết kế, thực hiện các chính sách chăm sóc đối với người cao tuổi.

Hình 4: Tỷ số giới tính của dân số cao tuổi theo nhóm tuổi, Hà Giang, 2009 và 2019

Bảng 3 dưới đây biết kết quả về tỷ lệ dân số cao tuổi ở các độ tuổi từ 60 trở lên, từ 65 trở lên và từ 75 trở lên tại các đơn vị hành chính cấp huyện, khu vực thành thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh sẽ giúp quan sát rõ hơn nữa các nhóm tuổi thường được quan tâm trong các chính sách an sinh xã hội. Theo thời gian, ở các đơn vị hành chính cấp huyện và khu vực, tỷ lệ dân số cao tuổi ở các ngưỡng tuổi đều tăng lên.

Xét theo khu vực sống, năm 2019, ở các ngưỡng tuổi 60+, 65+ thì khu vực thành thị có tỷ lệ dân số cao tuổi cao hơn ở khu vực nông thôn, nhưng ở ngưỡng tuổi 75+ thì khu vực nông thôn lại có tỷ lệ dân số cao tuổi cao hơn khu vực thành thị. Điều này cho thấy số người cao tuổi sống thọ tập trung ở khu vực nông thôn nhiều hơn khu vực thành thị.

Xét theo đơn vị hành chính cấp huyện, ở hầu hết các ngưỡng tuổi, thành phố Hà Giang, huyện Bắc Quang, huyện Quang Bình, huyện Vị Xuyên là bốn đơn vị hành chính có tỷ lệ dân số cao tuổi dẫn đầu; tiếp đến là các huyện Hoàng Su Phì, huyện Xín Mần, huyện Bắc Mê, huyện Đồng Văn; và các huyện Yên Minh, huyện Mèo Vạc có tỷ lệ dân số cao tuổi thấp nhất trên địa bàn tỉnh.

2. Các đặc trưng về kinh tế và xã hội của dân số cao tuổi

2.1. Tình trạng hôn nhân

Kết quả Tổng điều tra 2009 và 2019 (Hình 5) cho thấy, phần lớn dân số cao tuổi (60+) đang có vợ/chồng hoặc góa vợ/chồng, các tình trạng hôn nhân khác như chưa có vợ/chồng, ly hôn, ly thân chiếm tỷ lệ rất nhỏ, không đáng kể. Sau 10 năm, tỷ lệ dân số cao tuổi đang có vợ/chồng tăng lên (từ 58,62% vào năm 2009 lên 61,87% vào năm 2019), trong khi tỷ lệ dân số cao tuổi góa vợ/chồng giảm (từ 39,74% vào năm 2009 xuống còn 36,14% vào năm 2019). Giữa hai cuộc Tổng điều tra, các tình trạng hôn nhân chưa vợ/chồng, ly hôn, ly thân của dân số cao tuổi có sự thay đổi không đáng kể. 

Hình 5: Tình trạng hôn nhân của dân số cao tuổi, Hà Giang, 2009 và 2019

Đơn vị: %

Nghiên cứu tình trạng hôn nhân của dân số cao tuổi chia theo nhóm tuổi, năm 2019 (Bảng 4), cho thấy, tỷ lệ dân số cao tuổi chưa có vợ/chồng, có vợ/chồng, ly hôn và ly thân giảm dần khi độ tuổi tăng lên. Ngược lại, tỷ lệ dân số cao tuổi góa vợ/chồng lại có xu hướng tăng dần khi độ tuổi tăng lên, điều này nghĩa là khi tuổi càng cao thì số người cao tuổi sống một mình do góa vợ/chồng càng tăng. Và các hệ quả của việc sống một mình có thể khiến cho người cao tuổi gặp nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần và làm cho chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng tiêu cực, những điều này cần được xem xét, nghiên cứu trong xây dựng, triển khai các chính sách, chương trình chăm sóc đối với người cao tuổi.

2.2. Trình độ học vấn

Kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 (Hình 6) cho thấy, tỷ lệ dân số cao tuổi có trình độ học vấn THPT trở lên và trình độ đào tạo nghề các hệ giảm dần khi tuổi tăng lên; ngược lại, tỷ lệ dân số cao tuổi có trình độ THPT hoặc thấp hơn lại tăng khi tuổi tăng lên.

Ở nhóm tuổi 60-64, tỷ lệ dân số cao tuổi đạt trình độ THCS hoặc thấp hơn là 85,3%, nhóm tuổi 65-69 là 87,8%, nhóm tuổi 70-74 là 90,9%, nhóm tuổi 75-79 là 93,2% và nhóm tuổi 80+, tỷ lệ này đạt 96,4% - nghĩa là cứ 100 người từ 80 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh thì có tới trên 96 người có trình độ THCS hoặc thấp hơn.

Ở nhóm tuổi 60-64, cứ 100 người thì có gần 15 người đạt trình độ THPT (THPT, Đại học, Thạc sỹ, Tiến sỹ)  trở lên và đào tạo nghề các loại (Sơ cấp, Trung cấp, Cao đẳng); con số này giảm dần theo nhóm tuổi 65-69, 70-74, 75-79 tương ứng là: 12,2; 9,1; 6,8; và đến độ tuổi 80+ thì cứ 100 người chỉ còn có gần 4 người (3,6 người) đạt trình độ THPT (THPT, Đại học, Thạc sỹ, Tiến sỹ)  trở lên và đào tạo nghề các loại (Sơ cấp, Trung cấp, Cao đẳng).

Hình 6: Bậc học cao nhất đã đạt được của dân số cao tuổi, Hà Giang 2019

Đơn vị: %

Theo nhóm tuổi

Theo giới tính

Theo khu vực sống (thành thị, nông thôn)

Có sự chênh lệch lớn về trình độ học vấn của dân số cao tuổi theo giới tính (nam, nữ) và khu vực sống (thành thị, nông thôn). Theo khu vực sống, tỷ trọng dân số cao tuổi đạt trình độ THPT trở lên khu vực thành thị cao gấp 10,5 lần khu vực nông thôn; tỷ trọng dân số cao tuổi đạt trình độ đào tạo nghề các loại khu vực thành thị cao gấp 7,8 lần khu vực nông thôn; trong khi đó, tỷ trọng dân số cao tuổi đạt trình độ THCS hoặc thấp hơn khu vực nông cao cấp 1,5 lần khu vực thành thị. Theo giới tính, thì mức độ chênh lệch thấp hơn so với khu vực sống, tỷ trọng dân số cao tuổi nam đạt trình độ THPT trở lên cao gấp 3,8 lần nữ; tỷ trọng dân số cao tuổi nam đạt trình độ đào tạo nghề các loại cao gấp 1,4 lần nữ; trong khi đó, tỷ trọng dân số cao tuổi nữ đạt trình độ THCS hoặc thấp hơn cao gấp 1,1 lần nam.

Những số liệu trên cho thấy, trình độ học vấn của dân số cao tuổi trên địa bàn tỉnh Hà Giang thấp, đặc biệt thấp là đối với các nhóm tuổi cao và có sự chênh lệch lớn về trình độ giữa khu vực thành thị với khu vực nông thôn.

2.3. Việc làm

Trong Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, lao động có việc làm là tất cả những người từ 15 tuổi trở lên, trong thời gian tham chiếu có làm bất cứ việc gì (không bị pháp luật cấm) từ 01 giờ trở lên để tạo ra các sản phẩm hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ nhằm mục đích tạo thu nhập cho bản thân và gia đình.

Hình 7: Tỷ lệ dân số cao tuổi đang làm việc, Hà Giang, 2019

Đơn vị: %

Kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 (Hình 7), cho thấy toàn tỉnh có 53,1 % số dân số cao tuổi (60+) hiện vẫn đang làm việc để tạo thu nhập cho bản thân và gia đình. Tỷ lệ này giảm 12,4 điểm phần trăm so với năm 2009 (53,1% so với 65,5%). Có sự chênh lệch giữa tỷ lệ dân số cao tuổi làm việc giữa khu vực thành thị với khu vực nông thôn, giữa nam giới với nữ giới, song mức độ chênh lệch không lớn. Tỷ lệ dân số cao tuổi làm việc ở khu vực nông thôn cao gấp 1,4 lần khu vực thành thị; nam giới cao gấp 1,2 lần nữ giới.

Ở độ tuổi càng cao thì tỷ lệ dân số cao tuổi tham gia làm việc càng giảm, nhóm 60-64 tỷ lệ này là 74,3% thì đến các nhóm tiếp theo 65-69, 70-74, 75-79 đã giảm xuống đáng kể và tỷ lệ này tương ứng là: 66,4%, 42,7%; 33,2%; và ở độ tuổi 80+ thì tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 15%. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy luật, bởi khi độ tuổi càng cao thì sức khỏe sẽ giảm nên việc tham gia làm việc cũng giảm dần.

Hình 8: Vị thế việc làm của dân số cao tuổi theo khu vực sống và giới tính, Hà Giang, 2019

Đơn vị: %

Nghiên cứu về vị thế việc làm của dân số cao tuổi trên địa bàn tỉnh (Hình 8) cho thấy, phần lớn dân số cao tuổi là tự làm (39,25%) hoặc là lao động gia đình không được trả lương (59,63%), trong khi đó tỷ lệ làm chủ cơ sở (0,45%) hoặc làm công hưởng lương rất thấp (0,27%).

Có sự khác biệt khá lớn về tỷ lệ dân số cao tuổi làm chủ cơ sở và làm công hưởng lương giữa thành thị, nam giới với nông thôn, nữ giới. Tỷ lệ dân số cao tuổi làm chủ cơ sở và làm công ăn lương khu vực thành thị cao gấp 10,3 lần khu vực nông thôn; nam giới cao gấp 2,5 lần nữ giới. Tỷ lệ làm công hưởng lương khu vực thành thị cao gấp 5,7 lần khu vực nông thôn; nam giới cao gấp 2,5 lần nữ giới. Theo định nghĩa của Tổ chức Lao động thế giới thì lao động dễ tổn thương gồm có lao động tự làm và lao động gia đình. Như vậy, phần lớn dân số cao tuổi trên địa bàn tỉnh hiện nay đang tham gia lao động với vị thế của lao động dễ tổn thương, trong đó, dân số cao tuổi là phụ nữ và ở khu vực nông thôn có tỷ lệ cao hơn nam giới và ở khu vực thành thị. Thực tế này đặt ra vấn đề rất quan trọng cần được quan tâm trong xây dựng và thực hiện chính sách an sinh về thu nhập nói riêng và an sinh xã hội nói chung cho người cao tuổi trong những năm tới.

3. Dự báo dân số cao tuổi ở Hà Giang giai đoạn 2021 – 2045

Theo kết quả dự báo dân số của Tổng cục Thống kê thực hiện cho các địa phương giai đoạn 2021-2045, với giả định mức sinh trung bình trong giai đoạn 2021-2045, cho thấy, dân số cao tuổi (60+) của Hà Giang sẽ đạt gần 84,3 nghìn người vào năm 2025 (chiếm 9,25% tổng dân số); đạt gần 105 nghìn người vào năm 2030 (chiếm 10,86% tổng dân số); đạt gần 127 nghìn người vào năm 2035 (chiếm 12,41% tổng dân số); đạt gần 148 nghìn người vào năm 2040 (chiếm 13,79% tổng dân số); và đạt gần 171 nghìn người vào năm 2045 (chiếm 15,32% tổng dân số). Dự báo chi tiết dân số cao tuổi theo nhóm tuổi của Hà Giang tại Hình 9, Hình 10 và Bảng 5.

Hình 9: Dự báo tỷ trọng dân số cao tuổi theo nhóm tuổi, Hà Giang, 2021-2045

Hình 10, cho thấy, dự báo dân số từ nay đến 2030 dân số Hà Giang vẫn thuộc mô hình dân số trẻ, khi có tỷ lệ dân số 0-14 tuổi trên 30% và tỷ lệ dân số 65+ khoảng 7% trong tổng dân số toàn tỉnh. Sang giai đoạn 2030-2045 dân số Hà Giang bắt đầu bước vào giai đoạn cơ cấu dân số vàng, khi tỷ lệ phụ thuộc chung dưới 50% (dự báo đạt 49,2% vào năm 2030), đây được coi là cơ hội phát triển của địa phương, bởi hiện tượng này thường chỉ xuất hiện một lần trong quá trình phát triển của một cộng đồng dân cư. Dự báo từ năm 2045 trở đi dân số Hà Giang bắt đầu có sự già hóa, khi tỷ lệ dân số 65+ đạt trên 10% trong tổng dân số toàn tỉnh, tuy nhiên tốc độ già hóa chậm do mức sinh vẫn còn tương đối cao.

Hình 10: Dự báo tỷ lệ dân số 60+, 65+ và tỷ số phụ thuộc chung, Hà Giang, 2021 – 2045

Đơn vị: %

Những phân tích trên đây về dân số cao tuổi thu được qua Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 và những dự báo trong giai đoạn 2021-2045 cho thấy giống như dân số của cả nước, dân số cao tuổi của Hà Giang trong giai đoạn 2009-2019 tăng tương đối nhanh. Dự báo trong giai đoạn 2021-2045, dân số cao tuổi của Hà Giang tiếp tục tăng nhanh và bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số dự kiến vào năm 2045. Vấn đề đặt ra cho các cấp, các ngành cần tính đến các đặc trưng và xu hướng tăng dân số cao tuổi trong việc xây dựng, hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, cần có những chính sách về thu nhập, y tế, chăm sóc sức khỏe, … phù hợp đối với người cao tuổi, góp phần phát triển bền vững./.

Tăng Bá Tuyên

Tin khác

Tin giá và chỉ số giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 8 năm 2021 (14/09/2021 15:38)

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM KINH TẾ - XÃ HỘI CƠ BẢN CỦA VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ QUA KẾT QUẢ ĐIỀU TRA THỰC TRẠNG KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA 53 DÂN TỘC THIỂU SỐ NĂM 2019 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG (05/07/2021 16:00)

KẾT QUẢ CHỦ YẾU ĐIỀU TRA LAO ĐỘNG VIỆC LÀM NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG (07/06/2021 14:59)

HÀ GIANG 30 NĂM TÁI LẬP TỈNH (1991 – 2021) QUA NHỮNG CON SỐ THỐNG KÊ (11/05/2021 15:43)

NHỮNG KẾT QUẢ CHỦ YẾU CỦA CUỘC ĐIỀU TRA BIẾN ĐỘNG DÂN SỐ VÀ KẾ HOẠCH HOÁ GIA ĐÌNH THỜI ĐIỂM 1/4/2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG (04/05/2021 15:12)

Thanh tra điều tra chăn nuôi thời điểm 1/4/2021tại huyện Đồng Văn (29/04/2021 14:23)

Tác động của dịch tả lợn Châu Phi đến sự phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Hà Giang (29/04/2021 10:17)

GIÁM SÁT ĐIỀU TRA BIẾN ĐỘNG DÂN SỐ VÀ KHHGĐ THỜI ĐIỂM 1/4/2021 TẠI HÀ GIANG (14/04/2021 16:06)

LAO ĐỘNG VÀ VIỆC LÀM CỦA NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ TỪ 15 TUỔI TRỞ LÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG QUA KẾT QUẢ ĐIỀU TRA THỰC TRẠNG KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA 53 DÂN TỘC THIỂU SỐ NĂM 2019 (07/04/2021 11:12)

NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC SAU 5 NĂM THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2016-2020 QUA SỐ LIỆU THỐNG KÊ (07/04/2021 10:41)