Thứ sáu, Ngày 26 Tháng 4 Năm 2024

Tin chuyên ngành

Gửi Email In trang Lưu
Tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp qua kết quả khảo sát các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Giang

25/06/2020 10:41

 

Tăng Bá Tuyên

Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thống kê tại văn bản số 475/TCTK-TKCN ngày 10/4/2020 về việc điều tra bổ sung đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ngày 10/4/2020 Cục Thống kê Hà Giang ban hành văn bản số 57/CTK-CNXD để triển khai hướng dẫn cho Chi cục Thống kê các huyện/thành phố, các điều tra viên và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đối tượng khảo sát là các doanh nghiệp hoạt động trong tất cả các ngành kinh tế. Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 10/4/2020 đến ngày 20/4/2020 bằng hình thức trực tuyến, sử dụng bảng hỏi điện tử trên hệ thống Điều tra doanh nghiệp năm 2020 của Tổng cục Thống kê.

Để thực hiện tốt cuộc khảo sát, Cục Thống kê Hà Giang đã chỉ đạo Tổ thường trực chỉ đạo điều tra doanh nghiệp năm 2020 của tỉnh triển khai, hướng dẫn cho các doanh nghiệp trên địa bàn hiểu mục đích điều tra, hệ thống bảng hỏi, đăng nhập vào trang thông tin điện tử để thực hiện tự đánh giá, nhận định và kê khai thông tin về doanh nghiệp của mình.

Tính đến thời điểm kết thúc khảo sát, toàn tỉnh Hà Giang có 403 doanh nghiệp tham gia trả lời, chiếm gần 44% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh tại thời điểm điều tra, tỷ lệ doanh nghiệp Hà Giang tham gia trả lời cao gấp gần 2,2 lần so với cả nước. Chỉ trong thời gian ngắn triển khai khảo sát trực tuyến, số doanh nghiệp tham gia trả lời với con số ấn tượng như vậy là do cuộc khảo sát thực sự mang tính cấp thiết và doanh nghiệp nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc khảo sát nên đã tích cực phối hợp với Cục Thống kê, Tổng cục Thống kê thực hiện thành công cuộc khảo sát. 

Biểu 1: Số doanh nghiệp tham gia trả lời cuộc khảo sát

đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến SXKD của doanh nghiệp

 

Doanh nghiệp

 

Số doanh nghiệp trả lời

               Toàn tỉnh

403

     Phân theo quy mô doanh nghiệp

-

+ Doanh nghiệp siêu nhỏ

171

+ Doanh nghiệp nhỏ

182

+ Doanh nghiệp vừa

29

+ Doanh nghiệp lớn

21

     Phân theo loại hình doanh nghiệp

-

+ Doanh nghiệp Nhà nước

12

+ Doanh nghiệp ngoài Nhà nước

390

+ Doanh nghiệp FDI

1

 Dưới đây là những kết quả chủ yếu và những nhận định đánh giá về tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã tham gia trả lời khảo sát:

Dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực nhiều mặt đến hoạt động SXKD của hầu hết khu vực doanh nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 80,4% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng đang phải chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Theo quy mô doanh nghiệp thì tỷ lệ chịu tác động của dịch Covid-19 lần lượt xếp từ cao xuống thấp tương ứng là Doanh nghiệp nhỏ -Doanh nghiệp siêu nhỏ - Doanh nghiệp lớn - Doanh nghiệp vừa: 85,16% - 79,53% - 71,43% - 62,07%. Theo loại hình doanh nghiệp thì tỷ lệ chịu tác động của dịch Covid-19 lần lượt xếp từ cao xuống thấp tương ứng là Doanh nghiệp FDI - Doanh nghiệp ngoài nhà nước - Doanh nghiệp nhà nước: 100% - 80,77% - 66,67%.

Nghiên cứu theo lĩnh vực thì lĩnh vực dịch vụ chịu tác động lớn nhất, với 87,43% doanh nghiệp bị tác động; tiếp đến là lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, với 76,67% doanh nghiệp bị tác động; và thấp nhất là lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, với 55,56% doanh nghiệp bị tác động. Xem xét theo ngành kinh tế cho thấy, một số ngành có tỷ lệ tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 cao, điển hình như: dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; nghệ thuật vui chơi giải trí; hoạt động kinh doanh tài chính, ngân hàng và bảo hiểm với 100% số doanh nghiệp bị tác động. Tiếp đến là các nhóm ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; Vận tải kho bãi; Khai khoáng; Xây dựng; …với tỷ lệ trên 80% doanh nghiệp bị tác động.

1.  Những khó khăn và gánh nặng của doanh nghiệp

Qua trả lời của những doanh nghiệp tham gia khảo sát, tính đến thời điểm điều tra, những khó khăn chính của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Giang, gồm:

1.1. Thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh

Có tới 49,07% số doanh nghiệp tham gia khảo sát đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho SXKD, đây là một trong những khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp hiện nay và cũng là tình trạng chung của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Theo quy mô doanh nghiệp, doanh nghiệp vừa có tỷ lệ thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh cao nhất với 50,56%, tiếp đến là doanh nghiệp nhỏ với 49,88%, doanh nghiệp lớn là 46,35% và doanh nghiệp siêu nhỏ là 41,69%. Theo ngành kinh tế, khu vực doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản có tỷ lệ thiếu hụt vốn cao nhất với 70% số doanh nghiệp; khu vực doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng có tỷ lệ thiếu hụt vốn là 57,76%, tỷ lệ này ở khu vực dịch vụ là 38,56%.

1.2. Thị trường tiêu thụ trong nước bị thu hẹp

Thị trường tiêu thụ trong nước bị thu hẹp là khó khăn xếp hàng thứ 2 của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sau khó khăn thiếu hụt vốn cho sản xuất kinh doanh, có tới 42,59% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cho rằng, thị trường tiêu thụ trong nước bị thu hẹp. Theo quy mô doanh nghiệp có 52,91% doanh nghiệp có quy mô vừa và 51,58% doanh nghiệp có quy mô nhỏ là các nhóm chịu nhiều ảnh hưởng nhất do thị trường tiêu thụ bị thu hẹp. Theo loại hình doanh nghiệp: có 50,58% doanh nghiệp nhà nước, 50,59% ngoài nhà nước và 41,65% doanh nghiệp FDI chịu tác động từ thị trường tiêu thụ.

Theo lĩnh vực thì lĩnh vực nông, lâm và thủy sản có 70%; công nghiệp-xây dựng có 32,3%; dịch vụ 51,63% doanh nghiệp chịu tác động của thị trường trong nước bị thu hẹp.

1.3. Không thực hiện được hoạt động sản xuất kinh doanh

Có tới 41,05% tham gia khảo sát trả lời không thực hiện được hoạt động sản xuất kinh doanh do tác động của dịch Covid-19. Lĩnh vực dịch vụ có 43,79%; công nghiệp-xây dựng có 40,37%; nông, lâm nghiệp và thủy sản có 10% doanh nghiệp không thực hiện được hoạt động sản xuất kinh doanh do tác động của dịch Covid-19. Theo quy mô thì doanh nghiệp siêu nhỏ chịu tác động lớn nhất, với 49,67%; xếp thứ hai là doanh nghiệp nhỏ có 43,72%; tiếp đến là doanh nghiệp vừa có 34,41%; và thấp nhất là doanh nghiệp lớn chỉ có 28,23% doanh nghiệp không thực hiện được hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo loại hình doanh nghiệp thì doanh nghiệp nhà nước có 40,28%; doanh nghiệp ngoài nhà nước có 46,51%; và doanh nghiệp FDI có 27,84% không thực hiện được hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài ba khó khăn hàng đầu trên đây của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đang gặp phải những khó khăn khác, như: Không có nguồn thu để bù đắp cho các chi phí phát sinh có 36,73%; Nguồn thu không đủ để bù đắp cho các chi phí phát sinh có 35,49%; Không tuyển được hoặc phải cắt giảm lao động có 30,56%; Thiếu hụt nguồn nguyên liệu trong nước có 21,6%; Hàng hóa sản xuất không xuất khẩu được có 20%; Thiếu hụt nguồn nguyên liệu từ nhập khẩu có 18,18%; Hàng hóa sản xuất không tiêu thụ được trong nước có 16,98%; và Khó khăn khác có 9,57% doanh nghiệp tham gia trả lời khảo sát gặp phải do tác động của dịch Covid-19.

2. Các giải pháp doanh nghiệp áp dụng để ứng phó với dịch COVID-19

Để ứng phó với tác động của dịch Covid-19, doanh nghiệp đã phải áp dụng nhiều giải pháp như: điều chỉnh nguồn nhân lực, cắt giảm chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh, thay đổi phương thức cũng như chiến lược sản xuất kinh daonh,... Nhìn chung, có những giải pháp tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng bên cạnh đó cũng có những giải pháp tiêu cực nhưng doanh nghiệp phải áp dụng để duy trì sự tồn tại trong thời kỳ dịch bệnh này.

2.1. Những giải pháp doanh nghiệp buộc phải áp dụng

Do tác động của dịch Covid, có tới 53,09% số doanh nghiệp phải áp dụng các giải pháp liên quan đến lao động. Đây là những giải pháp tiêu cực mà nhiều doanh nghiệp đã phải áp dụng tạm thời như: cắt giảm lao động, cho lao động nghỉ việc không lương, giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm lương lao động, thu hẹp quy mô SXKD hoặc tạm ngừng hoạt động. Giải pháp cắt giảm lao động có 46,91% doanh nghiệp lựa chọn, cao nhất trong các giải pháp về lao động; có 32,41% doanh nghiệp cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên; có 17,9% doanh nghiệp cho lao động nghỉ không lương; có 15,43% doanh nghiệp giảm lương công nhân.

Theo quy mô, doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa có tỷ lệ áp dụng các giải pháp về lao động nhiều nhất, lên tới hơn 60,0%, trong khi tỷ lệ này ở nhóm doanh nghiệp quy mô lớn là 40,0%, quy mô siêu nhỏ là 45,59%.

2.2. Những giải pháp tích cực doanh nghiệp đã áp dụng

Nhằm thích ứng với dịch Covid-19, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng chuyển hướng đi mới. Các giải pháp được doanh nghiệp thực hiện chủ yếu bao gồm: đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, chuyển đổi mặt hàng sản phẩm chủ lực, tích cực tìm kiếm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra ngoài thị trường truyền thống, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho người lao động.

Giải pháp đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn/tay nghề cho người lao động trong thời điểm dịch Covid-19 đang được nhiều doanh nghiêp áp dụng, với tỷ lệ cao nhất 33,33%; có 11,42% doanh nghiệp thực hiện giải pháp tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra ngoài thị trường truyền thống; có 7,41% doanh nghiệp thực hiện giải pháp đẩy mạnh thương mại điện tử. Tiếp đến, các doanh nghiệp lựa chọn các giải pháp: tìm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào; chuyển đổi sản phẩm chủ lực, với tỷ lệ 4,63% và 1,85%.

Đối mặt với thách thức và thiệt hại do dịch Covid-19 kéo dài, doanh nghiệp buộc thay đổi từng ngày để thích nghi với tình thế hiện tại, dự kiến trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ triển khai áp dụng nhiều nhất hai giải pháp: tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra ngoài thị trường truyền thống và đẩy mạnh thương mại điện tử. Không chỉ được áp dụng để đối phó với tình thế trước mắt mà thương mại điện tử được đánh giá là xu thế không thể thiếu trong hoạt động của doanh nghiệp trên toàn thế giới trong tương lai.

3. Tác động của dịch Covid-19 tới kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nguồn nhân lực

3.1. Tác động của dịch Covid-19 tới kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Kết quả khảo sát cho thấy, trong số những doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, tại thời điểm khảo sát có tới trên 20% số doanh nghiệp đang phải tạm ngừng hoạt động.

Theo quy mô, các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ có tỷ lệ tạm ngừng hoạt động cao nhất với 27,21%; tiếp đến là doanh nghiệp vừa là 22,22%, doanh nghiệp lớn là 20%; và thấp nhất là doanh nghiệp nhỏ với tỷ lệ tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh là 18,06%.

Theo loại hình doanh nghiệp, thì khu vực doanh nghiệp FDI toàn bộ doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh; tiếp đến là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 22,22%; và thấp nhất là khu vực doanh nghiệp nhà nước có tỷ lệ tạm ngừng hoạt động ở mức thấp nhất là 12,50%.

Theo ngành kinh tế, khu vực dịch vụ có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động cao nhất với 22,84%. Trong khu vực dịch vụ, tỷ lệ trên đạt rất cao ở các nhóm ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch, với tỷ lệ lần lượt là 75,0% và 60,0%.

Những khó khăn doanh nghiệp phải đối mặt đã ảnh hưởng nặng nề đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh thu quý I/2020 của toàn bộ khu vực doanh nghiệp giảm mạnh xuống còn 71,96% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức giảm doanh thu của doanh nghiệp cả nước là 2,14 điểm phần trăm và ước tính 4 tháng đầu năm 2020, doanh thu sẽ tiếp tục giảm xuống chỉ bằng 65,81% so với cùng kỳ, cao hơn mức giảm doanh thu của doanh nghiệp cả nước là 3,79 điểm phần trăm.

Theo quy mô doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp quy mô vừa và lớn là hai nhóm có sự sụt giảm doanh thu mạnh nhất. Dự kiến doanh thu quý I/2020 so với cùng kỳ năm trước của hai nhóm doanh nghiệp này chỉ đạt 74,63% và 78,65%. Dự kiến 4 tháng đầu năm 2020, doanh thu của các nhóm doanh nghiệp hoạt động trong các ngành sau sẽ giảm mạnh, cụ thể: ngành đại lý du lịch chỉ bằng 86,82% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ này ở các ngành: Y tế và cứu trợ xã hội và Kinh doanh bảo hiểm ngân hàng: 85,0%; công nghiệp chế biến chế tạo: 64,59%; vận tải: 66,24%.

3.2. Tác động của dịch Covid-19 tới nguồn nhân lực trong doanh nghiệp

Hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ kéo theo nhu cầu về lao động của khu vực doanh nghiệp sụt giảm, ảnh hưởng lớn tới thị trường lao động. Qua số liệu khảo sát, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tính đến thời điểm khảo sát (20/4/2020) có 6,22% lao động tạm nghỉ việc không lương; 24,46% lao động giãn việc/nghỉ luân phiên; 10,33% lao động bị giảm lương.

Theo quy mô doanh nghiệp, lao động bình quân quý I/ 2020 so với cùng kỳ năm trước của nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ bị tác động lớn nhất bởi dịch chỉ đạt mức 55,43%, tiếp đến là nhóm lớn và doanh nghiệp vừa số lao động bình quân quý I/2020 so với cùng kỳ năm trước tương ứng là: 61,52% và 66,16%; nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ bị ảnh có số lao động bình quân quý I/2020 so với cùng kỳ năm trước cao nhất đạt 70,62%.

Theo loại hình doanh nghiệp thì khu vực doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh phải cho toàn bộ lao động nghỉ; tiếp đến là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có tỷ lệ lao động nghỉ việc nhiều nhất là 40,55%; và thấp nhất là khu vực doanh nghiệp nhà nước với 14,72%./.

 

CỤC THỐNG KÊ TỈNH HÀ GIANG

Tin khác

THỰC TRẠNG HÔN NHÂN CỦA DÂN SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG NHÌN TỪ KẾT QUẢ TỔNG ĐIỀU TRA DÂN SỐ VÀ NHÀ Ở NĂM 2019 (24/06/2020 14:35)

Giá cả và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 năm 2020 (06/05/2020 15:24)

Giá cả và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 năm 2020 (10/04/2020 16:04)

Ứng dụng công nghệ, thu thập dữ liệu trực tuyến Điều tra doanh nghiệp 2020 (10/04/2020 10:02)

Điều tra doanh nghiệp năm 2020 - cần sự đồng hành của mỗi doanh nghiệp (25/03/2020 14:15)

Phương án Điều tra doanh nghiệp năm 2020 - Một số nội dung chủ yếu (25/03/2020 14:04)

Điều tra doanh nghiệp 2020: "Một số câu hỏi thường gặp và giải đáp" (23/03/2020 11:03)

Điều tra doanh nghiệp năm 2020 (20/03/2020 13:59)

Giá cả và chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 năm 2020 (11/03/2020 09:26)

Giá cả và chỉ số giá tiêu dùng tháng 01 năm 2020 (04/02/2020 15:25)