Thứ sáu, Ngày 3 Tháng 5 Năm 2024

Tin chuyên ngành

Gửi Email In trang Lưu
NHỮNG KẾT QUẢ CHỦ YẾU CỦA CUỘC ĐIỀU TRA BIẾN ĐỘNG DÂN SỐ VÀ KẾ HOẠCH HOÁ GIA ĐÌNH THỜI ĐIỂM 1/4/2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG

04/05/2021 15:12

Nhu cầu thông tin về biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình ngày càng được người dùng tin rất quan tâm, đặc biệt là các cấp, các ngành để đánh giá thực hiện các chỉ tiêu dân số chủ yếu, xu hướng biến động cũng như các đặc trưng kinh tế - xã hội của dân số, từ đó giúp hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm cũng như thời kỳ.

Thông tin trong lĩnh vực dân số và kế hoạch hóa gia đình được thu thập, tính toán dựa trên các nguồn cơ bản từ: Tổng điều tra Dân số và Nhà ở tổ chức 10 năm một lần; Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ tổ chức 5 năm 1 lần. Bên cạnh hai cuộc điều tra lớn trên thì điều tra Biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình hàng năm được Tổng cục Thống kê tổ chức theo Chương trình điều tra thống kê quốc gia để phục vụ việc tính toán các chỉ tiêu thống kê trong lĩnh vực dân số và thực hiện kế hoạch hóa gia đình trên phạm vi cả nước và từng địa phương, đáp ứng yêu cầu xây dựng chính sách, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành và nhu cầu của người sử dụng thông tin khác.

Điều tra Biến động dân số và kế hoạch hoá gia đình năm 2020 được thực hiện theo Quyết định số 1248/QĐ-TCTK ngày 27 tháng 8 năm 2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Đây là cuộc điều tra chọn mẫu được tiến hành hàng năm nhằm thu thập các thông tin về dân số, biến động dân số (sinh, chết và di cư) cũng như thông tin cơ bản về tình hình sử dụng các biện pháp tránh thai và sức khỏe sinh sản của phụ nữ 15-49 tuổi. Dưới đây, sẽ trình bảy kết quả chủ yếu của cuộc điều tra cùng với các phân tích về quy mô và cơ cấu dân số, tình trạng hôn nhân, giáo dục, kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản, mức sinh, mức chết, di cư trên địa bàn tỉnh Hà Giang năm 2020.

1. Quy mô và cơ cấu dân số

1.1. Quy mô dân số

Quy mô dân số của tỉnh Hà Giang tại thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2020 là 867.775 người, tăng hơn 13 nghìn người so với dân số thời điểm 01/4/2019.

Với quy mô dân số trên, Hà Giang xếp thứ 48 trong cả nước và có dân số nhiều hơn các tỉnh Hoà Bình, Hà Nam, Yên Bái, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Lào Cai, Hậu Giang, Đắk Nông, Quảng Trị, Điện Biên, Ninh Thuận, Kon Tum, Cao Bằng, Lai Châu, Bắc Kạn; xếp thứ 5 trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, xếp sau tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Sơn La và xếp trên Hoà Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Cao Bằng, Lai Châu, Bắc Kạn.

Hình 1: Quy mô dân số có đến thời điểm 1/4/2020 của các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc

Đơn vị: Người

1.2. Cơ cấu dân số

Số liệu dân số theo giới tính và nhóm tuổi có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu về quá trình tái sản xuất dân số nói chung và cho từng hiện tượng sinh, chết, hôn nhân và di cư nói riêng. Hơn nữa, đây cũng là cơ sở để xem xét sự tương tác giữa dân số với các vấn đề kinh tế - xã hội khác, như quản lý và sử dụng lao động, nguồn tài nguyên, an sinh xã hội, lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

1.2.1 Cơ cấu dân số theo giới tính

Tỷ số giới tính được định nghĩa là số nam trên 100 nữ, tỷ số giới tính là chỉ tiêu quan trọng khi xem xét về cấu trúc dân số theo giới.

Hình 2. cho thấy, tỷ số giới tính của dân số Hà Giang luôn cao hơn 100, điều đó có nghĩa là dân số nam luôn nhiều hơn dân số nữ. Tỷ số giới tính của dân số Hà Giang năm 2020 là 102,2 nam/100 nữ. Tỷ số giới tính của dân số Hà Giang đang có xu hướng tăng từ năm 2009 đến nay, nguyên nhân chính là do tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam nói chung và Hà Giang nói riêng thuộc loại cao so với các nước trên thế giới.

Hình 2: Tỷ số giới tính của dân số Hà Giang, 2009-2019-2020

1.2.2. Cơ cấu dân số theo nhóm tuổi

Cơ cấu dân số theo giới tính và nhóm tuổi phản ánh một bức tranh tổng quát về mức sinh, mức chết và tốc độ gia tăng dân số. Một công cụ hữu ích để mô tả cơ cấu dân số theo giới tính và nhóm tuổi là tháp tuổi, hay còn gọi là tháp dân số. Hình 3 tháp tuổi dân số Hà Giang năm 2020 giúp quan sát trực quan rõ hơn điều này.

Hình 3: Tháp tuổi dân số tỉnh Hà Giang, 1/4/2020

Biểu 1: Cơ cấu dân số tỉnh Hà Giang theo nhóm tuổi, thành thị/nông thôn và giới tính, 1/4/2010

Đơn vị: %

Cơ cấu dân số theo nhóm tuổi còn được sử dụng để tính tỷ số phụ thuộc, một chỉ tiêu biểu thị gánh nặng của dân số trong tuổi lao động.

Tổng tỷ số phụ thuộc được tính bằng tổng dân số dưới 15 tuổi và người già trên 65 tuổi trên 100 người trong độ tuổi lao động từ 15-64 tuổi. Trong khi đó, tỷ số phụ thuộc trẻ em được tính bằng dân số dưới 15 tuổi trên 100 người trong độ tuổi lao động từ 15-64 tuổi; tỷ số phụ thuộc người già được tính bằng số người từ 65 tuổi trở lên trên 100 người trong độ tuổi lao động từ 15-64 tuổi.

Kết quả tính toán đối với dân số Hà Giang từ kết quả điều tra năm 2020 cho thấy, tỷ số phụ thuộc trẻ em là 52,6 - nghĩa là cứ 100 người trong độ tuổi lao động sẽ hỗ trợ cho trên gần 53 trẻ em dưới 15 tuổi; tỷ số phụ thuộc người già là 7,5 - nghĩa là cứ 100 người trong độ tuổi lao động sẽ hỗ trợ 7,5 người già; tỷ số phụ thuộc chung là 60,1 - nghĩa là cứ 100 người trong độ tuổi lao động sẽ hỗ trợ cho khoảng 60 người ngoài độ tuổi lao động (bao gồm trẻ em dưới 15 tuổi và người già trên 65 tuổi). Hình 4 sẽ giúp quan sát sự thay đổi các tỷ số phụ thuộc của dân số Hà Giang trong giai đoạn 1999, 2009, 2020.

Hình 4: Tỷ số phụ thuộc trẻ em, người già và phụ thuộc chung của dân số Hà Giang, 1999-2009-2020

Cơ cấu dân số theo tuổi còn được xem xét qua chỉ số già hoá dân số. Chỉ số già hóa được biểu thị bằng tỷ số của dân số từ 60 tuổi trở lên trên 100 người dưới 15 tuổi. Năm 2020, chỉ số già hoá của dân số Hà Giang tính toán được từ cuộc điều tra là 22,5 tăng 13,2 điểm phần trăm so với năm 1999 và tăng 9,1 điểm phần trăm so với năm 2009 - điều này cho thấy tốc độ già hoá dân số của Hà Giang trong giai đoạn 1999-2020 đang diễn ra tương đối nhanh.

Hình 5: Chỉ số già hoá của dân số Hà Giang, 1999-2009-2020

Các chỉ số về cơ cấu dân số theo tuổi trên đây cho thấy, dù tốc độ già hoá diễn ra tương đối nhanh trong giai đoạn vừa qua nhưng có thể thấy dân số Hà Giang hiện nay vẫn đang trong giai đoạn “cơ cấu vàng”. Cơ cấu dân số vàng đem lợi thế to lớn là nguồn nhân lực dồi dào nếu được tận dụng tối đa trí tuệ, sức lao động, sẽ tạo ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ, tạo ra giá trị tích lũy lớn cho tương lai của đất nước, của mỗi địa phương. Hay nói cách khác, nếu tận dụng được cơ cấu dân số vàng sẽ tạo ra sự vượt bậc về kinh tế. Về mặt xã hội, dân số vàng tạo điều kiện cho giáo dục phát triển. Vì vậy, các cấp, các ngành chức năng cần nghiên cứu, tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND-UBND tỉnh các giải pháp phù hợp để tận dụng những lợi thế to lớn do “cơ cấu dân số vàng” đem lại để phát triển kinh tế - xã hội.

2. Tình trạng hôn nhân

Trong điều tra Biến động dân số và kế hoạch hoá gia đình năm 2020, thông tin về tình trạng hôn nhân được thu thập cho tất cả những người từ 15 tuổi trở lên. Tình trạng hôn nhân của một người được phân thành hai nhóm: “đã từng kết hôn” và “chưa từng kết hôn”. Nhóm thứ nhất “đã từng kết hôn” là người đã từng kết hôn ít nhất một lần tính đến thời điểm điều tra, bao gồm: đang có vợ/chồng, góa, ly hôn hoặc ly thân. Nhóm thứ hai “chưa từng kết hôn” là những người chưa kết hôn lần nào (chưa có vợ hoặc chồng) tính đến thời điểm điều tra.

2.1. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu

Tuổi kết hôn trung bình lần đầu (SMAM) thường được tính riêng cho từng giới. Trong bài viết này, số liệu SMAM được ước lượng gián tiếp thông qua tỷ trọng dân số từ 15 tuổi trở lên “chưa từng kết hôn” của các nhóm tuổi từ 15-19 đến nhóm tuổi 50-54. Biểu 2 cho thấy SMAM chung và nam có xu hướng tăng, trong khi đó SMAM của nữ lại có xu hướng giảm nhẹ từ năm 2009 đến nay. Cụ thể, SMAM của dân số Hà Giang đã tăng từ 21,1 tuổi năm 2009 lên 21,6 tuổi năm 2020; SMAM của nam giới tăng nhanh hơn, từ 22 tuổi năm 2009 lên 23,1 tuổi năm 2020; SMAM của nữ giới giảm từ 20,3 tuổi năm 2009 xuống 20 tuổi năm 2020.

Mặc dù SMAM của dân số Hà Giang đã tăng trong giai đoạn 2009-2020 nhưng vẫn thấp hơn so với của cả nước khá nhiều điều này cho thấy dân số Hà Giang vẫn có xu hướng kết hôn sớm hơn. Năm 2020, SMAM của dân số Hà Giang thấp hơn của cả nước 4,0 tuổi; nam giới thấp hơn 4,7 tuổi và nữ giới thấp hơn 3,4 tuổi.

Biểu 2: Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của dân số Hà Giang chia theo giới tính,  2009 – 2020

Đơn vị: Năm

2.2. Xu hướng kết hôn

Biểu 3 trình bày tỷ trọng dân số từ 15 tuổi trở lên chia theo tình trạng hôn nhân, giới tính và nhóm tuổi của dân số Hà Giang thu được qua kết quả điều tra biến động dân số và kế hoạch hoá gia đình 1/4/2020, qua đó cho thấy xu hướng kết hôn và tình trạng hôn nhân của nam và nữ. Ở nhóm tuổi 15-19, chỉ có 17% dân số đã từng kết hôn, tỷ trọng dân số đã từng kết hôn tăng dần theo độ tuổi. Từ độ tuổi 30 trở lên thì hầu hết dân số trên địa bàn tỉnh đã từng kết hôn, tỷ trọng dân số đã từng kết hôn của các nhóm tuổi tăng từ 94,5 đến 99,6 điểm phần trăm.    

Nữ giới thường có xu hướng kết hôn sớm hơn nam giới. Ở nhóm tuổi 15-19 tuổi, tỷ trọng nam giới chưa từng kết hôn là 90,2 điểm phần trăm, cao hơn của nữ giới 15 điểm phần trăm; tiếp đến nhóm tuổi 20-24, tỷ trọng này của nam giới là 46,1 điểm phần trăm, cao hơn so với của 27,9 điểm phần trăm; từ nhóm tuổi 25-29 trở lên, tỷ trọng độc thân của nam và nữ ngang nhau và chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng dân số cùng nhóm tuổi. Tuy nhiên, từ độ tuổi 40 trở lên, tỷ trọng nam giới có vợ cao hơn đáng kể so với tỷ trọng nữ giới có chồng; đồng thời, tỷ trọng sống độc thân của nam (chưa có vợ/ly hôn/ly thân/góa) thấp hơn khá nhiều so với nữ. Ở nhóm tuổi 55-59, tỷ lê ̣nam giới sống độc thân chỉ chiếm 5,7% trong khi tỷ lê ̣ này ở nữ giới là 27,1% (chênh lệch 21,4 điểm phần trăm). Ở các nhóm tuổi cao hơn mức chênh lệch về tỷ trọng số độc thân của nữ càng cao hơn so với nam giới.

Biểu 3 cũng cho thấy mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa tỷ lệ góa vợ/chồng và độ tuổi. Khi tuổi càng cao thì tỷ lệ góa vợ/chồng càng lớn, trong đó, tỷ lệ góa chồng ở nữ giới tăng nhanh hơn so với tỷ lệ góa vợ ở nam giới theo nhóm tuổi. Ngoài ra, góa vợ/chồng cũng là nhóm đóng góp lớn nhất dẫn đến sự khác biệt về tỷ trọng sống độc thân giữa nam và nữ sau độ tuổi 50. Năm 2020, tỷ lệ nữ góa chồng là 9,7%, cao gấp hơn 4,5 lần so với tỷ lệ nam góa vợ (2,2%).  Có thể giải thích cho sự khác biệt này, đó là tuổi thọ của nam giới thường thấp hơn nữ giới và nam góa vợ thường có xu hướng tái kết hôn nhiều hơn so với nữ góa chồng.

Biểu 3: Tỷ trọng dân số từ 15 tuổi trở lên chia theo tình trạng hôn nhân, giới tính và nhóm tuổi, 1/4/2020 

Đơn vị: %

3. Giáo dục

Giáo dục có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia cũng như mỗi địa phương. Đồng thời, giáo dục cũng có tác động tích cực đến đời sống cá nhân qua việc góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo điều kiện cho họ tìm được việc làm có thu nhập tốt hơn. Để có được số liệu phản ánh về giáo dục, điều tra biến động dân số và kế hoạch hoá gia đình 1/4/2020 đã xây dựng, thiết kế và đưa vào phiếu điều tra các câu hỏi về tình hình đi học, bậc học cao nhất đã đạt được và khả năng biết đọc biết viết để thu thập thông tin.

3.1. Tình hình đi học

Trong điều tra Biến động dân số và kế hoạch hoá gia đình 1/4 hàng năm và Tổng điều tra dân số và nhà ở, tình hình đi học của dân số được phản ánh thông qua tình trạng đang đi học, đã thôi học và chưa bao giờ đi học. “Đang đi học” được hiểu là đang học ở một trong các trường/lớp thuộc Hệ thống giáo dục quốc dân từ 3 tháng trở lên; “Đã thôi học” nghĩa là trước đây đã từng theo học một trường/lớp nào đó thuộc Hệ thống giáo dục quốc dân từ 3 tháng trở lên nhưng hiện nay (tại thời điểm điều tra) đã nghỉ học; và “Chưa từng đi học” được hiểu là chưa từng theo học tại bất kỳ một trường/lớp nào thuộc Hệ thống giáo dục quốc dân từ 3 tháng trở lên.

Biểu 4: Phân bố dân số từ 5 tuổi trở lên chia theo tình trạng đi học, Hà Giang 1999, 2009, 2020 

Đơn vị: %

Số liệu Biểu 4 cho thấy vào năm 2020 có hơn 1/4 dân số từ 5 tuổi trở lên (26,2%) trên địa bàn tỉnh đang đi học. Đối với nhóm dân số từ 5 tuổi trở lên chưa bao giờ đi học, tỷ trọng trong tổng dân số đã giảm đáng trong vòng gần 22 năm qua (từ năm 1999 đến năm 2020). Năm 2020, chỉ còn 18,5% dân số từ 5 tuổi trở lên chưa bao giờ đi học, giảm 15,8 điểm phần trăm so với năm 1999 và giảm 8,2 điểm phần trăm so với năm 2009.

Hình 6 cho thấy, năm 2020 không có sự chênh lệch nhiều về tỷ trọng dân số từ 5 tuổi trở lên giữa nam và nữ (26,5% so với 25,8%) theo tình trạng đang đi học. Tuy nhiên, đối với tình trạng đã thôi học và chưa bao giờ đi học thì có sự chênh lệch khá lớn giữa nam và nữ. Tỷ trong dân số từ 5 tuổi trở lên của nam giới cao hơn nữ giới 8,3 điểm phần trăm; ngược lại tỷ trọng dân số từ năm tuổi trở lên chưa bao giờ đi học của nam giới lại thấp hơn nữ giới 9,4 điểm phần trăm. Điều này cho thấy trong quá khứ cũng như hiện nay, phụ nữ vẫn bị thiệt thòi hơn nam giới về hưởng thụ giáo dục.

Hình 6: Tỷ trọng dân số từ 5 tuổi trở lên chia theo tình trạng đi học và giới tính, Hà Giang, 1/4/2020 

Đơn vị: %

3.2. Tỷ lệ đi học chung và tỷ lệ đi học đúng tuổi

Theo Luật Giáo dục Việt Nam năm 2019, hệ thống giáo dục phổ thông của nước ta được chia thành 3 cấp, với những quy định cụ thể về thời gian và độ tuổi như sau: (1) cấp Tiểu học: từ lớp 1 đến lớp 5 và tuổi của học sinh vào học lớp 1 là đúng 6 tuổi; (2) cấp Trung học cơ sở (THCS): từ lớp 6 đến lớp 9 và học sinh vào học lớp 6 phải hoàn thành chương trình tiểu học và có tuổi là đúng 11 tuổi; (3) cấp Trung học phổ thông (THPT): từ lớp 10 đến lớp 12 và học sinh vào học lớp 10 phải có bằng THCS và có tuổi là đúng 15 tuổi. Ngoài giáo dục phổ thông, còn có giáo dục đại học bao gồm: đại học, thạc sỹ và tiến sỹ; giáo dục nghề nghiệp bao gồm: sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và nghề nghiệp khác. Do Luật Giáo dục Việt Nam năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 nên cuộc điều tra Biến động dân số và kế hoạch hoá gia đình 1/4/2020 vẫn thu thập và phân loại trình độ cao đẳng vào giáo dục đại học (theo Luật Giáo dục cũ), đồng thời phần phân tích giáo dục đại học đề cập đến tỷ lệ đi học của trình độ cao đẳng và đại học, với thời gian phổ biến từ 3 đến 4 năm, tuổi bắt đầu vào học phổ biến là từ 18 tuổi.

Tỷ lệ đi học chung là số học sinh đang tham gia vào một cấp học, không kể tuổi tính trên 100 người trong độ tuổi đến trường của cấp học đó. Tỷ lệ đi học đúng tuổi là số học sinh trong tuổi đến trường của một cấp học tham gia vào cấp học đó tính trên 100 người trong độ tuổi đến trường của cấp học đó.

Tỷ lệ đi học là chỉ tiêu phản ánh đầu vào của giáo dục. Biểu 5 cho biết tỷ lệ đi học chung và tỷ lệ đi học đúng tuổi chia theo các cấp học. Các số liệu cho thấy, trên địa bàn tỉnh cơ bản đã hoàn thành phổ cập giáo dục bậc Tiểu học với tỷ lệ đi học chung toàn tỉnh đạt 98,5%. Đối với giáo dục cấp THCS, tỷ lệ đi học chung toàn tỉnh đạt 89,3%. Đối với cấp giáo dục THPT, tỷ lệ đi học chung toàn tỉnh mới chỉ đạt 43,4%. Và cuối cùng là giáo dục đại học, tỷ lệ đi học chung cao đẳng và đại học đạt rất thấp, chỉ có 6,2%. Tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở các cấp học đều thấp hơn tỷ lệ đi học chung, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi các cấp học Tiểu học, THCS, THPT, Cao đẳng và Đại học năm 2020 tương ứng lần lượt là: 97,1%; 85,6%; 42,2%; 3,1%.

Tỷ lệ đi học chung và tỷ lệ đi học đúng tuổi đối với cấp Tiểu học, THCS và THPT có sự chênh lệch giữa nam và nữ, những tỷ lệ này của nam giới cao hơn của nữ giới. Đối với giáo dục đại học có xu hướng ngược lại, tỷ lệ đi học chung và tỷ lệ đi học đúng tuổi của nữ giới lại cao hơn của nam giới. Tuy nhiên mức độ chênh lệch những tỷ lệ này của nam và nữ không lớn.

Biểu 5: Tỷ lệ đi học chung và tỷ lệ đi học đúng tuổi chia theo các cấp học và giới tính, Hà Giang, 1/4/2020 

Đơn vị: %

3.3. Tình hình biết đọc biết viết

Biết đọc biết viết là khả năng đọc và viết một đoạn văn đơn giản trong sinh hoạt hàng ngày bằng tiếng quốc ngữ, tiếng dân tộc hoặc tiếng nước ngoài. Câu hỏi về tình trạng biết đọc biết viết được hỏi đối với những người chưa hoàn thành bậc Tiểu học (chưa học hết lớp 5), và giả thiết là tất cả những người có trình độ học vấn trên bậc học đó đều biết đọc biết viết. Chỉ tiêu tỷ lệ biết chữ được sử dụng để đánh giá tình hình biết đọc biết viết của dân số. Đây là một trong những số đo chung nhất phản ánh đầu ra của giáo dục, được định nghĩa là số phần trăm những người biết chữ của một độ tuổi nhất định trong tổng dân số của độ tuổi đó.

Tỷ lệ chữ của dân số từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh đã tăng lên rõ rệt so kể từ năm 1999 đến năm 2020. Kết quả của cuộc điều tra Biến động dân số và kế hoạch hoá gia đình 1/4/2020 cho thấy tỷ lệ biết chữ của dân số từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh Hà Giang là 76,7%, tăng 15,6 điểm phần trăm so với năm 1999 và tăng 8,4 điểm phần trăm so với năm 2009.

Tỷ lệ biết chữ của dân số từ 15 tuổi trở lên khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn (73,2% so với 21,1%) do có khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn. Tuy nhiên, kể từ năm 1999 trở lại đây, nhờ chính sách phổ cập giáo dục Tiểu học và xóa mù chữ nên sự chênh lệch về tỷ lệ biết chữ giữa khu vực thành thị và nông thôn đã được thu hẹp đáng kể - mức chênh lệch tỷ lệ biết chữ giữa khu vực thành thị với nông thôn năm 1999, 2009 và 2020 tương ứng lần lượt là: 35,1%; 29,8% và 21,1%.

Biểu 6: Tỷ lệ biết đọc biết viết của dân số từ 15 tuổi trở lên chia theo thành thị và nông thôn, Hà Giang, 1999 - 2009 – 2020 

Đơn vị: %

3.4. Trình độ học vấn cao nhất đạt được

Học vấn là một trong những chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng nguồn lực của mỗi quốc gia, mỗi địa phương. Ngoài việc giúp đánh giá trình độ phát triển của mỗi quốc gia, mỗi địa phương, trình độ học vấn còn có tác động tới việc làm, tuổi kết hôn, hành vi sinh đẻ của phụ nữ và cách ứng xử của cá nhân đối với các vấn đề của cuộc sống. Chính vì vậy, nâng cao trình độ học vấn không chỉ là trách nhiệm của cộng đồng, của xã hội mà mỗi cá nhân cũng cần có trách nhiệm tự tu dưỡng, nâng cao trình độ học vấn của bản thân, qua đó góp phần vào sự phát triển của mỗi địa phương, của đất nước và của toàn xã hội.

Số liệu trong Biểu 7 cho thấy, trong tổng số dân số từ 15 tuổi trở lên của toàn tỉnh tại thời điểm 1/4/2020 thì có trên 3/4 (75,4%) dân số đạt trình độ từ Trung học cơ sở trở xuống, chỉ có gần 1/3 (24,6%) dân số đạt trình độ Trung học phổ thông. Cụ thể, trong tổng số dân số từ 15 tuổi trở lên của toàn tỉnh tại thời điểm 1/4/2020:

- Có 23,6% chưa từng đi học, cao hơn so với toàn quốc 20,1 điểm phần trăm; cao hơn so với vùng Trung du và miền núi phía Bắc 14,9 điểm phần trăm;

- Có 8,8% chưa tốt nghiệp Tiểu học, thấp hơn so với toàn quốc 1 điểm phần trăm; cao hơn so với vùng Trung du và miền núi phía Bắc 0,8 điểm phần trăm;

- Có 17,5% tốt nghiệp Tiểu học, thấp hơn so với toàn quốc 3,4 điểm phần trăm; thấp hơn so với vùng Trung du và miền núi phía Bắc 0,4 điểm phần trăm;

- Có 25,5% tốt nghiệp Trung học cơ sở, thấp hơn so với toàn quốc 4,5 điểm phần trăm; thấp hơn so với vùng Trung du và miền núi phía Bắc 8,2 điểm phần trăm;

- Có 24,6% tốt nghiệp Trung học phổ thông trở lên, thấp hơn so với toàn quốc 11,2 điểm phần trăm; thấp hơn so với vùng Trung du và miền núi phía Bắc 7,2 điểm phần trăm.

Biểu 7: Tỷ lệ dân số 15 tuổi trở lên theo trình độ giáo dục cao nhất đạt được, Toàn quốc, vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Hà Giang, 01/4/2020 

Đơn vị: %

3.5. Trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nhất đạt được

Trình độ chuyên môn kỹ thuật trong cuộc điều tra Biến động dân số và Kế hoạch hóa gia đình 1/4/2020 được phân tổ theo 4 nhóm: Sơ cấp, Trung cấp, Cao đẳng và Đại học trở lên.

Kết quả điều tra Biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình 1/4/2020 trên địa bàn tỉnh cho thấy trên 4/5 (86,1%) dân số từ 15 tuổi trở lên có trình độ chuyên môn kỹ thuật sơ cấp và không chuyên môn kỹ thuật; chỉ gần 1/5 (13,9%) có trình độ từ Trung cấp trở lên. Ở hầu hết các nhóm có trình độ chuyên môn kĩ thuật, tỷ trọng dân số từ 15 tuổi trở lên của Hà Giang đều thấp hơn so với cả nước và vùng Trung du và miền núi phía Bắc

Tỷ trọng nhóm “Không CMKT” trong tổng dân số từ 15 tuổi trở lên đã giảm rõ rệt kể từ năm 2009 đến nay, nếu năm 2009 tỷ trọng nhóm “Không CMKT” là 91,0% thì đến năm 2020 con số này chỉ còn 80,1%, giảm 10,9 điểm phần trăm. Tuy nhiên, tỷ trọng nhóm “Không CMKT” của Hà Giang vẫn cao hơn 7 điểm phần trăm so với toàn quốc và cao hơn 2,5 điểm phần trăm so với vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Ở chiều ngược lại, tỷ trọng nhóm có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp trở lên của Hà Giang tăng đáng kể so với năm 2009, nếu năm 2009 tỷ trọng nhóm này chỉ đạt 9% thì đến năm 2020 con số này đã đạt 19,9 điểm phần trăm, đặc biệt là nhóm có trình độ cao từ “Đại học trở lên” tăng 4,5 điểm phần trăm so với năm 2009.

Biểu 8: Tỷ trọng dân số từ 15 tuổi trở lên theo trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nhất đạt được, Toàn quốc, Trung du và miền núi phía Bắc, Hà Giang, 1/4/2020 

Đơn vị: %

4. Thực hiện kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc thai sản

4.1. Thực hiện kế hoạch hóa gia đình

Các câu hỏi về việc thực hiện KHHGĐ được phỏng vấn và ghi cho những phụ nữ 15-49 tuổi hiện đang có chồng.

Kết quả điều tra Biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình 1/4/2020 cho thấy, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai (viết gọn là BPTT) bất kỳ của phụ nữ 15-49 tuổi đang có chồng trên địa bàn tỉnh đạt 77,3% bằng với tỷ lệ sử dụng các BPTT của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, cao hơn so với toàn quốc 2,6 điểm phần trăm. Khu vực thành thị có tỷ lệ sử dụng BPTT bất kỳ của phụ nữ 15-49 tuổi đang có chồng đạt cao hơn so với khu vực nông thôn, tuy nhiên mức độ chênh lệch giữa hai khu vực không cao (79,8% so với 76,8%).

Tỷ lệ sử dụng các BPTT hiện đại của phụ nữ 15-49 tuổi đang có chồng trên địa bàn tỉnh đạt 73,7%, cao hơn so của toàn quốc 6,7 điểm phần trăm, cao hơn so với vùng Trung du và miền núi phía Bắc 3,6 điểm phần trăm. Trong khi tỷ lệ sử dụng các BPTT bất kỳ của phụ nữ 15-49 tuổi đang có chồng có sự chênh lệch giữa khu vực thành thị và nông thôn, thì tỷ lệ sử dụng các BPTT hiện đại gần như không có sự chênh lệch giữa hai khu vực (73,9% so với 73,6%).

Tỷ lệ sử dụng các BPTT hiện đại của phụ nữ 15-49 tuổi đang có chồng khu vực thành thị và khu vực nông thôn của Hà Giang đều đạt mức cao hơn so với của toàn quốc và vùng Trung du và miền núi phía Bắc; tương ứng mức cao hơn của khu vực thành thị là: 9,9% và 8,7%; tương ứng mức cao hơn của khu vực nông thôn là 5% và 2,4%.

Biểu 9: Tỷ lệ phụ nữ từ 15-49 tuổi sử dụng BPTT, Toàn quốc, vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Hà Giang, 1/4/2020

Đơn vị: %


4.2. Tình hình chăm sóc thai sản

Chính sách của Nhà nước ta hiện nay là khuyến khích và tạo điều kiện để tất cả những phụ nữ trong thời kỳ mang thai đều được khám thai định kỳ, đều đặn. Trong cuộc điều tra Biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình năm 2020, chỉ tiêu tỷ lệ khám thai của lần sinh gần nhất thu thập thông tin đối với phụ nữ 10-49 tuổi đã từng sinh con từ tháng 4 năm 2018 đến hết tháng 3 năm 2020.

Biểu 10: Tỷ lệ phụ nữ từ 10-49 tuổi sinh con trong 24 tháng trước thời điểm điều tra chia theo tình trạng khám thai và số lần khám thai, Toàn quốc, vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Hà Giang, 1/4/2020

Đơn vị: %


Tỷ lệ khám thai của phụ nữ 10-49 tuổi của phụ nữ sinh con trong 24 tháng trước thời điểm điều tra của Hà Giang năm 2020 đạt 81,3%; thấp hơn so với mức của toàn quốc 14,5 điểm phần trăm và thấp hơn mức của vùng Trung du và miền núi phía Bắc 11,3 điểm phần trăm. Như vậy còn khoảng gần 20% (18,7%) số phụ nữ từ 10-49 tuổi trên địa bàn tỉnh sinh con trong 24 tháng trước thời điểm điều tra chưa thăm khám thai, tỷ lệ này tương đối cao. Nguyên nhân có thể do trình độ, nhận thức một số phụ nữ dân tộc thiểu số còn hạn chế; do phong tục, tập quán; và do điều kiện y tế, giao thông đi lại ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh chưa cao, chưa thuận tiện; … nên tỷ lệ không khám thai còn tương đối cao.

Trong tổng số phụ nữ từ 10-49 tuổi sinh con 24 tháng trước thời điểm điều tra thì có gần 3/4 số phụ nữ chỉ thực hiện khám thai từ 4 lần trở xuống, cao hơn so với mức của toàn quốc 40 điểm phần trăm và cao hơn so với mức của vùng Trung du và miền núi phía Bắc 26,7 điểm phần trăm. Ở chiều ngược lại, chỉ có gần 1/3 số phụ nữ thực hiện khám thai từ 5 lần trở lên, thấp hơn so với mức của toàn quốc và vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Đặc biệt tỷ lệ phụ nữ 10-49 tuổi sinh con trong 24 tháng trước thời điểm điều tra trên địa bàn tỉnh thực hiện khám thai từ 7 lần trở lên đạt rất thấp so với toàn quốc và vùng Trung du và miền núi phía Bắc (10,5% so với 36,4% và 25,1%).

5. Mức sinh, mức chết và di cư

5.1. Mức sinh

Mức sinh là một nhân tố quan trọng tác động đến tăng trưởng dân số. Mức sinh chịu tác động bởi các yếu tố sinh học, kinh tế, xã hội, y tế và môi trường. Ở Việt Nam, do việc đăng ký sinh chết chưa đầy đủ nên các chỉ tiêu phản ánh mức sinh được tính toán qua dữ liệu điều tra. Mục này trình bày tóm tắt mức sinh của dân số Hà Giang qua một số chỉ tiêu chủ yếu, gồm: Tổng tỷ suất sinh, Tỷ suất sinh thô, Tỷ số giới tính khi sinh và Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trong 12 tháng trước thời điểm điều tra.

* Tổng tỷ suất sinh (TFR): Tổng tỷ suất sinh (TFR) được hiểu là số con sinh sống bình quân của một ngƣời phụ nữ trong suốt cả cuộc đời, nếu người phụ nữ đó trong suốt thời kỳ sinh đẻ tuân theo tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi như quan sát được trong thời kỳ nghiên cứu, thường là 12 tháng trước điều tra.

Tổng tỷ suất sinh (TFR) là một trong những thước đo chính phản ánh mức sinh. TFR thường được ước lượng gián tiếp thông qua kỹ thuật Trussell P/F với giả thiết rằng số con đã sinh trong 12 tháng trước cuộc điều tra của những người phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 49 có thể được khai báo thấp hơn thực tế. Sự khai sót này thường xảy ra đối với các trường hợp đứa trẻ đã chết hoặc đã rời xa bố mẹ.

TFR của dân số Hà Giang tính toán từ số liệu thu thập được trong điều tra Biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình 1/4/2020 là 2,57 con/phụ nữ. TFR của dân số Hà Giang cao hơn so với mức của toàn quốc 0,45 con/phụ nữ, cao hơn so với mức của vùng Trung du và miền núi phía Bắc 0,16 con/phụ nữ. Tính từ năm 1999 đến nay thì TFR của dân số Hà Giang đã giảm tương đối nhanh, nếu năm 1999 TFR của dân số Hà Giang là 3,61 con/phụ nữ thì sau 10 năm (năm 2009) đã giảm xuống còn 3,08 con/phụ nữ (năm 2009 TFR giảm 0,53 con/phụ nữ so với năm 1999) và đến năm 2020 con số này chỉ còn 2,57 con/phụ nữ (giảm 1,04 con/phụ nữ so với năm 1999 và giảm 0,51 con/phụ nữ so với năm 2009). Hiện TFR của dân số Hà Giang đang dần tiệm cận với mức sinh thay thế (TFR = 2,1 con/phụ nữ).

Hình 7: Tổng tỷ suất sinh của dân số Hà Giang giai đoạn 1999, 2009, 2020


* Tỷ suất sinh thô (CBR): Tỷ suất sinh thô (CBR) biểu thị số trẻ sinh sống trong 12 tháng trước thời điểm điều tra tính trên 1.000 dân.

Tương tự như TFR, do có sự bỏ sót trong khai báo số con đã sinh nên CBR được ước lượng gián tiếp bằng cách lấy tỷ suất sinh thô tính trực tiếp từ cuộc điều tra nhân với hệ số điều chỉnh Trussell P/F. Tuy nhiên, CBR là chỉ tiêu được sử dụng chủ yếu để tính tỷ lệ gia tăng dân số hơn là để đánh giá sự thay đổi mức sinh như TFR, vì nó không chỉ chịu tác động bởi mức sinh mà còn chịu tác động bởi cơ cấu tuổi và giới tính của dân số. Do đó, khi so sánh CBR của 2 hoặc nhiều nhóm dân số khác nhau hoặc cùng một nhóm dân số nhưng tại các thời điểm khác nhau, cần phải nghiên cứu loại bỏ tác động của sự khác biệt về cơ cấu theo độ tuổi của các dân số đó bằng phương pháp chuẩn hoá.

 CBR của dân số Hà Giang thu được từ kết quả điều tra Biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình 1/4/2020 là 19,71‰, cao hơn so với mức của toàn quốc 3,41 điểm phần nghìn (19,71‰ so với 16,30‰), cao hơn so với mức của vùng Trung du và miền núi phía Bắc 1,96 điểm phần nghìn (19,71‰ so với 17,74‰). Có thể thấy CBR của dân số Hà Giang hiện vẫn đang ở mức tương đối cao, tuy nhiên trong giai đoạn 1999 đến nay đã giảm tương đối nhanh. Hình 8 dưới đây sẽ giúp quan sát rõ hơn sự thay đổi này.

Hình 8: Tỷ suất sinh thô (CBR) của dân số Hà Giang giai đoạn 1999, 2009, 2020 

Đơn vị: ‰


* Tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên trong 12 tháng trước thời điểm điều tra: Tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên biểu thị số phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên trong 12 tháng trước thời điểm điều tra trên 100 phụ nữ sinh con trong thời kỳ đó.

Biểu 11: Tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên trong 12 tháng trước thời điểm điều tra theo nhóm tuổi của Hà Giang, Toàn quốc, 1/4/2020 

Đơn vị: %


Biểu 11 trình bày tỷ lệ phụ nữ 15-49 tuổi sinh con thứ 3 trở lên trong 12 tháng trước thời điểm điều tra thu được trong điều tra Biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình 1/4/2020. Số liệu cho thấy, tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên trong 12 tháng trước thời điểm điều tra (tháng 4/2019 đến 3/2020) trên địa bàn toàn tỉnh là 34%. Trung bình cứ 100 phụ nữ sinh có sinh con trong 12 tháng trước thời điểm điều tra thì có 34 phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên.

Tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên của dân số Hà Giang cao mức của toàn quốc 12,7 điểm phần trăm. Có sự khác biệt khá lớn về tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên theo nhóm tuổi của phụ nữ. Ở nhóm tuổi 15-19 không có phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên, ở nhóm tuổi càng cao thì tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên càng tăng và đạt cao nhất ở nhóm 45-49 tuổi là 67,2%.

5.2. Mức chết

Cùng với mức sinh, mức chết cũng là một nhân tố quan trọng tác động đến tăng trưởng dân số. Mức chết phụ thuộc vào các điều kiện về môi trường, kinh tế, văn hoá, xã hội, công nghệ... Mục này, trình bày tóm tắt mức chết của dân số Hà Giang qua một số chỉ tiêu chủ yếu, gồm: Tỷ suất chết thô (CDR); Tỷ suất chết trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi; Tuổi thọ bình quân tính từ lúc sinh.

Nói chung trong thông tin tử vong thu thập từ điều tra Biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình, đặc biệt là nhóm câu hỏi về các trường hợp chết của hộ trong năm trước điều tra, gặp phải sai số là bỏ sót người chết, dẫn đến ước lượng thấp mức độ chết. Vì vậy cần phải sử dụng các phương pháp ước lượng gián tiếp đã được sử dụng rộng rãi trên thế giới để hiệu chỉnh.

* Tỷ suất chế thô (CDR): Tỷ suất chết thô (CDR) cho biết, trung bình cứ mỗi 1000 dân, có bao nhiêu người chết trong thời kỳ nghiên cứu, thường là 12 tháng trước thời điểm điều tra. CDR bị ảnh hưởng bởi cơ cấu dân số theo tuổi và giới tính. Khi tỷ trọng dân số dưới 5 tuổi (có tỷ lệ chết tương đối cao) giảm đi trong điều kiện mức sinh thấp, tỷ suất chết thô có thể giảm. Tuy nhiên, sự gia tăng dân số già (có tỷ suất chết đặc trưng theo tuổi cao) sẽ bù vào sự hụt giảm của số lượng chết trẻ sơ sinh và chết trẻ em. Kết quả là tỷ suất chết thô có thể không thay đổi hoặc thậm chí tăng lên.

Số liệu trong Biểu 12 cho thấy, trung bình trong 12 tháng trước thời điểm điều tra (từ tháng 4/2019 đến tháng 3/2020), cứ 1.000 dân thì có 7 người chết, cao hơn mức chết của toàn quốc gần 1 người chết/1.000 dân, cao hơn mức chế của vùng Trung du và miền núi phía Bắc 0,2 người chết/1.000 dân. Số liệu cũng cho thấy, có sự chênh lệch giữa tỷ suất chết thô của nam và nữ. Tỷ suất chết thô của nam là 8,4‰, trong khi tỷ suất chết thô của nữ chỉ là 5,7‰. So với năm 2009, thì tỷ suất chết thô của dân số Hà Giang nhìn chung ổn định, không có sự thay đổi lớn, giao động ở quanh mức 7‰ (năm 2009 CDR: 6,9‰).

Biểu 12: Tỷ suất chết thô của dân số Hà Giang, Toàn quốc, vùng Trung và miền núi phía Bắc, 1/4/2020 

Đơn vị: ‰


* Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi:

Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi (IMR) biểu thị số trẻ dưới 1 tuổi chết tính trên 1.000 trẻ sinh sống trong thời kỳ nghiên cứu, thường là một năm. Việc khai báo trẻ dưới 1 tuổi chết thường không đầy đủ. Đây là thông tin nhạy cảm, nên mức độ khai báo số trẻ em dưới 1 tuổi chết sót, thậm chí cao hơn số chết người lớn, do các người thân không muốn nhắc đến. Do vậy, tỷ suất này cũng cần được ước lượng gián tiếp.

Biểu 13: Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi của dân số Toàn quốc, vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Hà Giang, 1999, 2009, 2020


Số liệu tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi được thường được ước lượng gián tiếp bằng phương pháp của nhà nhân khẩu học Brass xây dựng. Phương pháp này đã được Liên Hợp Quốc tin học hoá bằng thủ tục CEBS trong bộ phần mềm MORTPAK, và sau một thời gian sử dụng Liên Hợp Quốc đã điều chỉnh lại và xây dựng riêng một phần mềm tên là QFIVE để tính 1q0 và 4q1. Kết quả tính toán được từ số liệu điều tra Biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình 1/4/2020 trên địa bàn Hà Giang cho thấy, tỷ suất chế trẻ em dưới 1 tuổi là 29,9‰, cao hơn mức chung của toàn quốc 16 điểm phần nghìn, cao hơn mức của vùng Trung du và miền núi phía Bắc gần 10 điểm phần nghìn. Kể từ năm 1999 đến nay, tỷ suất chế trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi của Hà Giang đã giảm tương đối nhanh, nếu năm 1999 cứ 1.000 trẻ sinh sống thì có 65,8 trẻ dưới 1 tuổi bị chết thì đến năm 2009 con số này đã giảm xuống còn 37,5 trẻ dưới 1 tuổi bị chết và đến năm 2020 con số này chỉ còn 29,5 trẻ dưới 1 tuổi bị chết - năm 2020 đã giảm hơn một nửa số chết trẻ dưới 1 tuổi so với năm 1999.

* Tuổi thọ bình quân từ lúc sinh:

Tuổi thọ trung bình từ lúc sinh hay còn gọi là kỳ vọng sống từ lúc sinh (e0) là một chỉ tiêu tổng hợp để đánh giá xác suất chết của dân số. Chỉ tiêu này được ước lượng từ Bảng sống, bảng biểu diễn chi tiết khuôn mẫu tử vong của một dân số theo độ tuổi dựa vào mức độ chết của trẻ em dưới 1 tuổi. Bảng sống là công cụ mạnh trong nghiên cứu mức độ chết của dân số. Bảng sống có nhiều ứng dụng trong thực tế, nhất là trong dự báo dân số tương lai. Thường bảng sống được lập riêng cho nam và nữ. Thông tin đầu vào của bảng sống là tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi.

Biểu 14: Tuổi thọ bình quân từ lúc sinh của dân số Toàn quốc, vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Hà Giang, 1999, 2009, 2020


Kết quả dựa trên thông tin thu thập được từ cuộc điều tra Biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình tính toán tuổi thọ bình quân từ lúc sinh chung của dân số Hà Giang năm 2020 là 68,4 tuổi; tuổi thọ trung bình từ lúc sinh của nam giới là 65,5 tuổi và tuổi thọ trung bình từ lúc sinh của nữ giới là 71,5 tuổi. So với năm 1999 thì tuổi thọ trung bình từ lúc sinh của dân số Hà Giang đã được nâng lên rõ rệt. Nếu năm 1999, tuổi thọ trung bình từ lúc sinh của dân số Hà Giang chỉ đạt 58,8 tuổi thì con số này đến năm 2020 đã đạt bình quân 68,4 tuổi, tăng 9,6 tuổi cao hơn mức tăng của toàn quốc cùng trong giai đoạn này. Mặc dù vậy thì tuổi thọ trung bình của dân số Hà Giang vẫn thấp hơn so với toàn quốc và vùng Trung du và miền núi phía Bắc khá nhiều (68,4 tuổi so với 73,7 tuổi và 71,4 tuổi).

5.3. Di cư

Dân số của một quốc gia nói chung hay mỗi địa phương nói riêng không chỉ phụ thuộc vào mức sinh, mức chết của quốc gia hay địa phương đó mà còn chịu tác động của biến động cơ học, đó là di cư. Di cư là sự thay đổi nơi cư trú của con người, từ đơn vị lãnh thổ này tới đơn vị lãnh thổ khác trong một khoảng thời gian nhất định. Nói cách khác, di cư là thay đổi nơi cư trú trong một khoảng thời gian nào đó. Do di cư tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội nên vấn đề di cư nhận được sự quan tâm không những của các nhà quản lý, các nhà lập chính sách, các nhà xây dựng chương trình phát triển mà còn của toàn xã hội.

Để xác định quy mô và tỷ lệ tăng dân số của từng địa phương, cần phải tính đến các yếu tố ảnh hưởng bao gồm: tỷ suất sinh thô, tỷ suất chết thô, tỷ suất nhập cư và tỷ suất xuất cư. Trong số các yếu tố ảnh hưởng trên, việc thu thập số liệu về di cư là rất khó khăn do tính chất lựa chọn của người di cư.

5.1. Tỷ suất nhập cư, xuất cư và di cư thuần

Theo kết quả điều tra Biến động dân số và kế hoạch hoá gia đình 1/4/2020, trong 1 năm trước thời điểm điều tra trên địa tỉnh Hà Giang:

- Tỷ suất nhập cư là 0,7‰, nghĩa là cứ 1.000 dân thì mới có 7 người nhập cư vào địa bàn tỉnh. Nữ giới nhập cư vào địa bàn tỉnh nhiều hơn nam giới (1,1‰ so với 0,3‰).

- Tỷ suất xuất cư là 5,4‰, nghĩa là cứ 1.000 dân thì có hơn 54 người di chuyển khỏi địa bàn tỉnh. Cũng giống như tỷ suất nhập cư, nữ giới xuất cư cao gần gấp hai lần so với nam giới (7,3‰ so với 3,7‰).

- Tỷ suất di cư thuần là -4,7‰, nghĩa là số người xuất cư khỏi địa bàn tỉnh nhiều hơn số người nhập cư vào địa bàn là 47 người/1.000 dân.

Biểu 15: Tỷ suất nhập cư, xuất cư và di cư thuần 1 năm trước thời điểm điều tra, Toàn quốc, vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Hà Giang, 1/4/2020


5.2. Lý do di cư

Xem xét lý do di chuyển, kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ người dân trên địa bàn tỉnh di chuyển đi tìm việc làm/bắt đầu một công việc mới là rất thấp mà chủ yếu là di chuyển vì lý do kết hôn. Cụ thể di chuyển vì: lý do kết hôn chiếm tỷ trọng là 56,3%; tiếp đến là lý do theo gia đình, chuyển nhà là 25,7%; lý do tìm việc/bắt đầu công việc mới là 12,7%; lý do đi học là 1,6%; lý do khác là 3,7%.

Việc phân tích kết quả những chỉ tiêu chủ yếu trên đây đã phần nào khái quát nên bức tranh chung của dân số trên địa bàn tỉnh Hà Giang năm 2020 qua kết quả điều tra Biến động dân số và kế hoạch hoá gia đình 1/4/2020. Hy vọng những kết quả đó sẽ giúp cung cấp những thông tin hữu ích để các cấp, các ngành hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh cũng như cung cấp thông tin cho những tổ chức, cá nhân dùng tin phục vụ công tác nghiên cứu, …./.

Tăng Bá Tuyên

Tin khác

Thanh tra điều tra chăn nuôi thời điểm 1/4/2021tại huyện Đồng Văn (29/04/2021 14:23)

Tác động của dịch tả lợn Châu Phi đến sự phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Hà Giang (29/04/2021 10:17)

GIÁM SÁT ĐIỀU TRA BIẾN ĐỘNG DÂN SỐ VÀ KHHGĐ THỜI ĐIỂM 1/4/2021 TẠI HÀ GIANG (14/04/2021 16:06)

LAO ĐỘNG VÀ VIỆC LÀM CỦA NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ TỪ 15 TUỔI TRỞ LÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG QUA KẾT QUẢ ĐIỀU TRA THỰC TRẠNG KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA 53 DÂN TỘC THIỂU SỐ NĂM 2019 (07/04/2021 11:12)

NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC SAU 5 NĂM THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2016-2020 QUA SỐ LIỆU THỐNG KÊ (07/04/2021 10:41)

MỘT SỐ TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ VỀ NỘI DUNG PHƯƠNG PHÁP TẠM TÍNH TIÊU CHÍ SỐ 10 - THU NHẬP BÌNH QUÂN ĐẦU NGƯỜI/NĂM CỦA XÃ TRONG BỘ TIÊU CHÍ QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI CỦA TỔNG CỤC THỐNG KÊ (10/03/2021 14:59)

TÌNH HÌNH BIẾT ĐỌC, BIẾT VIẾT CHỮ PHỔ THÔNG VÀ BIẾT ĐỌC, BIẾT VIẾT CHỮ DÂN TỘC MÌNH CỦA NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ TỪ 15 TUỔI TRỞ LÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG QUA KẾT QUẢ ĐIỀU TRA THỰC TRẠNG KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA 53 DÂN TỘC THIỂU SỐ 2019 (19/02/2021 10:56)

TỐC ĐỘ TĂNG VÀ SỰ ĐÓNG GÓP CỦA CÁC NGUỒN THU VÀO TỐC ĐỘ TĂNG THU NHẬP BÌNH QUÂN ĐẦU NGƯỜI (1 THÁNG) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2004 - 2018 QUA KẾT QUẢ KHẢO SÁT MỨC SỐNG HỘ GIA ĐÌNH (22/01/2021 09:51)

Tin giá và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 năm 2020 (19/01/2021 08:59)

Tin giá và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 năm 2020 (14/12/2020 08:41)