Thứ sáu, Ngày 3 Tháng 5 Năm 2024

Tin chuyên ngành

Gửi Email In trang Lưu
LAO ĐỘNG VÀ VIỆC LÀM CỦA NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ TỪ 15 TUỔI TRỞ LÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG QUA KẾT QUẢ ĐIỀU TRA THỰC TRẠNG KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA 53 DÂN TỘC THIỂU SỐ NĂM 2019

07/04/2021 11:12

Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 thu thập thông tin về tình trạng việc làm của người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên nhằm đánh giá mức độ tham gia thị trường lao động và hiệu quả sử dụng nguồn lao động dân tộc thiểu số của nền kinh tế.

Thông tin về việc làm của người dân tộc thiểu số là cơ sở để xây dựng, hoạch định các chính sách và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số như tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo, nâng cao giáo dục và đào tạo nghề, đảm bảo an sinh xã hội. Trên cơ sở kết quả của cuộc điều tra, dưới đây sẽ phân tích, đánh giá những chỉ tiêu chủ yếu về lao động và việc làm của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang năm 2019.

1. Lực lượng lao động

Lực lượng lao động là bộ phận dân số từ 15 tuổi trở lên cung cấp hoặc sẵn sàng cung cấp sức lao động để sản xuất của cải vật chất và dịch vụ nhằm mục đích tạo ra thu nhập cho cá nhân hoặc gia đình. Hay nói cách khác, lực lượng lao động là những người từ 15 tuổi trở lên có việc làm hoặc thất nghiệp trong thời kì tham chiếu (07 ngày trước thời điểm quan sát).

1.1 Quy mô, cơ cấu lực lượng lao động

Tại thời điểm 1/10/2019, toàn tỉnh Hà Giang có 444,8 nghìn người dân tộc thiểu số tham gia lực lượng lao động, chiếm 5,5% lực lượng lao động dân tộc thiểu số cả nước; trong đó, nữ giới chiếm 49,2% lực lượng lao động dân tộc thiểu số toàn tỉnh.

Hình 1: Lực lượng lao động dân tộc thiểu số cả nước và Hà Giang chia theo thành thị, nông thôn và giới tính, 1/10/2019

Đơn vị: Nghìn người 

Xem xét cơ cấu lực lượng lao động dân tộc thiểu số theo từng dân tộc cho thấy: dân tộc Mông chiếm tỷ lệ cao nhất trong lực lượng lao động toàn tỉnh là 35,5%; tiếp đến là dân tộc Tày chiếm 27,2%; dân tộc Dao chiếm 18,4%; dân tộc Nùng chiếm 11,3%; và các dân tộc còn lại trên địa bàn tỉnh chỉ chiếm có 7,7% lực lượng lao động.

Hình 2: Cơ cấu lực lượng lao động dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang theo một số dân tộc thiểu số chủ yếu, 1/10/2019 

Đơn vị: %

Có sự chênh lệch khá lớn trong phân bố lực lượng lao động giữa khu vực thành thị với khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Lực lượng lao động khu vực thành thị là 33,9 nghìn người, chỉ chiếm có 7,4% tổng số lực lượng lao động dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; trong đó, năm dân tộc là Tày, Hoa, Nùng, Mông, Dao chiếm 86,5% lực lượng lao động khu vực thành thị. Như vậy, ở chiều ngược lại có đến trên 92% lực lượng lao động dân tộc thiểu số phân bố ở khu vực nông thôn; trong đó, bốn dân tộc là Tày, Nùng, Mông, Dao chiếm 93,2% lực lượng lao động khu vực nông thôn.

Nhóm dân số tham gia lực lượng lao động nhiều nhất là 25-54 tuổi, chiếm gần 65% lực lượng lao động dân tộc thiểu số toàn tỉnh; tiếp đến là nhóm 15-24 tuổi chiếm 22,2%; nhóm 55-59 tuổi và nhóm 60 tuổi trở lên chỉ chiếm tương ứng có 5,9% và 6,9% lực lượng lao động dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Cơ cấu tuổi của lực lượng lao động đối với nam, nữ, thành thị, nông thôn cũng tương đồng với cơ cấu tuổi chung của lực lượng lao động toàn tỉnh.

Biểu 1: Lực lượng lao động dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên phân theo giới tính, thành thị, nông thôn cả nước, vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Hà Giang, 1/10/2019


1.2. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là một trong những số đo chung nhất về mức độ tham gia lực lượng lao động của dân số. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của người dân tộc thiểu số được định nghĩa là phần trăm người dân tộc thiểu số thuộc lực lượng lao động chiếm trong tổng dân số dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên.

Toàn tỉnh có 89,3% người dân tộc thiểu số tham gia lực lượng lao động; cao hơn tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của người dân tộc thiểu số của cả nước là 6,3 điểm phần trăm; cao hơn tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của người dân tộc thiểu số khu vực Trung du và miền núi phía Bắc là 3,6 điểm phần trăm.

Có sự khác biệt giữa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh về tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, tuy nhiên mức độ khác biệt không lớn như của cả nước. Dân tộc Sán Dìu có tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cao nhất là 95,8 điểm phần trăm, trong khi đó dân tộc Mông có tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp nhất là 83,5 điểm phần trăm, mức chênh lệch là 12,3 điểm phần trăm. Ta có thể thấy chi tiết tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang qua Biểu 2 dưới đây.

Biểu 2: Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh Hà Giang chia theo một số dân tộc chủ yếu, 1/10/2019 

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên không có sự chênh lệch nhiều theo giới tính. Kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ này của nam giới là 91 điểm phần trăm, trong khi đó tỷ lệ này của nữ giới là 88,4 điểm phần trăm, chỉ thấp hơn so với nam giới có 2,6 điểm phần trăm. Xét theo khu vực thành thị, nông thôn thì khoảng cách chênh lệch về tỷ lệ này có tăng lên đôi chút. Cụ thể, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của người dân tộc thiểu số ở khu vực thành thị là 84,2 điểm phần trăm, thấp hơn so với khu vực nông thôn 6 điểm phần trăm (84,2% so với 90,2%). 

Biểu 2: Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh Hà Giang chia theo một số dân tộc chủ yếu, 1/10/2019

2. Việc làm

Điều 13, Bộ luật Lao động Việt Nam quy định: “Mọi hoạt động lao động tạo ra nguồn thu nhập không bị pháp luật cấm đều được thừa nhận là việc làm”. Dưới góc độ pháp lý, việc làm được cấu thành bởi 3 yếu tố:  

- Là hoạt động lao động;

- Tạo ra thu nhập;

- Hoạt động hợp pháp;

Từ đó cho thấy, việc làm là vấn đề thiết yếu của phần đông dân số, không chỉ đem lại thu nhập mà còn đem lại nhiều lợi ích khác như giảm nghèo, cân bằng cuộc sống, góp phần tạo dựng những chuyển đổi tích cực trong xã hội. Do đó, nghiên cứu về việc làm và đặc trưng về việc làm của người dân tộc thiểu số có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho người dân tộc thiểu số trên phạm vi cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

2.1. Lao động có việc làm

Kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang cho thấy, tỷ lệ lao động có việc làm trên tổng số người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên là 88,7%, tương đương với 440,2 nghìn người. Tỷ lệ này của Hà Giang cao hơn của cả nước 6,6 điểm phần trăm; và cao hơn với vùng Trung du và miền núi phía Bắc là 3,8 điểm phần trăm. Tỷ lệ nam dân tộc thiểu số có việc làm cao hơn nữ dân tộc thiểu số, tương ứng là 89,8% so với 87,5%. Đa số lao động dân tộc thiểu số có việc làm trên địa bàn tỉnh là ở nhóm tuổi 25-59 (chiếm trên 90% trong tổng số số lao động dân tộc thiểu số có việc làm toàn tỉnh) và sống tập trung chủ yếu ở địa bàn vùng nông thôn (chiếm gần 93% trong tổng số số lao động dân tộc thiểu số có việc làm toàn tỉnh). 

Biểu 3: Lao động dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên có việc làm theo giới tính và thành thị, nông thôn, Hà Giang 1/10/2019 

Xem xét tỷ trọng lao động dân tộc có việc làm trên tổng số người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên chia một số dân tộc chủ yếu trên địa bàn tỉnh cho thấy không có sự chênh lệch lớn giữa các dân tộc cũng như theo giới tính của từng dân tộc.  Chi tiết có thể quan sát trong Biểu 4 và Hình 4 dưới đây.

Biểu 4: Tỷ trọng lao động dân tộc thiểu số có việc làm trên tổng số người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên của một số dân tộc thiểu số chủ yếu, Hà Giang, 1/10/2019 

Đơn vị: %

Hình 4: Tỷ trọng lao động dân tộc thiểu số có việc làm trên tổng số người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên của một số dân tộc thiểu số chủ yếu, Hà Giang, 1/10/2019 

Đơn vị: %

Toàn tỉnh chỉ có 10,4% lao động dân tộc thiểu số có việc làm đã qua đào tạo, còn lại 89,6% không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Tỷ lệ lao động dân tộc thiểu số có việc làm đã qua đào tạo không có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ, tương ứng là 88,7% và 90,4%. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động dân tộc thiểu số không có chuyên môn kỹ thuật lại có sự chênh lệch lớn giữa khu vực thành thị với khu vực nông thôn. Tỷ lệ lao động dân tộc thiểu số không có chuyên môn kỹ thuật khu vực nông thôn cao gấp 1,5 lần khu vực thành thị, tương ứng là 91,9% và 59,9%.

Tỷ lệ lao động dân tộc thiểu số có việc làm đã qua đào tạo và tỷ lệ lao động dân tộc thiểu số có việc làm không có chuyên môn kỹ thuật giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh không đồng đều. Năm dân tộc thiểu số có tỷ lệ lao động có việc làm đã qua đào tạo cao nhất là: Phù Lá (67%), Sán Chay (57,7%), Ngái (52,6%), Mường (51,3%), Thái (44,5%). Ở chiều ngược lại, năm dân tộc thiểu số có tỷ lệ lao động có việc làm không có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nhất là: Mông (96,4%), Dao (96,1%), Cơ Lao (95,2%), Nùng (90,6%).

Hình 5: Tỷ lệ lao động dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên có việc làm đã qua đào tạo và  tỷ lệ lao động có việc làm không có trình độ chuyên môn kỹ thuật của  một số dân tộc thiểu số chủ yếu, Hà Giang, 1/10/2019 

Đơn vị: %

2.2. Cơ cấu lao động có việc làm theo khu vực kinh tế

Hầu hết lao động dân tộc thiểu số có việc làm trên địa bàn tỉnh Hà Giang tập trung ở khu vực Nông, lâm nghiệp và Thuỷ sản. Kết quả điều tra cho thấy có 86,2% lao động làm việc trong khu vực Nông, lâm nghiệp và Thuỷ sản; tỷ lệ này cao hơn so với cả nước 12,9 điểm phần trăm và cao hơn so với vùng Trung du và miền núi phía Bắc 8,3 điểm phần trăm. Trong khi đó, khu vực Công nghiệp-xây dựng và Dịch vụ, tỷ lệ lao động có việc làm chỉ chiếm lần lượt là 5,2% và 8,6%.

Xem xét theo từng dân tộc thiểu số cho thấy có sự khác biệt khá lớn về cơ cấu lao động có việc làm theo khu vực kinh tế. Trong khi ở một số dân tộc như: Dao, Mông, Cơ Lao, La Chí, Pà Thẻn, lao động có việc làm chủ yếu làm việc trong lĩnh vực Nông, lâm nghiệp và Thủy sản (trên 88%), thì ở một số dân tộc khác, tỷ trọng lao động có viêc làm làm việc trong khu vực này lại khá thấp (dưới 50%), đặc biệt là dân tộc Phù Lá, Sán Chay chỉ có khoảng dưới 26% lao động làm việc trong khu vực này.

Hình 6: Tỷ trọng lao động đang làm việc trong khu vực Nông, lâm nghiệp và Thủy sản của 05 nhóm dân tộc có tỷ trọng cao nhất và 05 nhóm dân tộc có tỷ trọng thấp nhất

Đơn vị: % 

2.3. Cơ cấu lao động có việc làm theo nghề nghiệp

Kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số cho thấy, trên địa bàn tỉnh Hà Giang, nhóm nghề “Lao động giản đơn” vẫn thu hút và sử dụng nhiều lao động dân tộc thiểu số nhất với tỷ lệ 88,8% và chủ yếu ở khu vực nông thôn, làm việc trong khu lĩnh vực Nông, lâm nghiệp và Thủy sản là chính. So với cả nước thì tỷ lệ “Lao động giản đơn” của Hà Giang cao hơn 20,3 điểm phần trăm; và cao hơn vùng Trung và miền núi phía Bắc 10,9 điểm phần trăm.

Có sự khác biệt tương đối về cơ cấu lao động việc làm theo nghề nghiệp giữa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Những dân tộc thiểu số có số lao động làm việc chiếm đa số như: Mông, Dao, Tày, … thì tỷ lệ lao động làm việc ở những nhóm nghề lao động có kỹ thuật lại thấp, tỷ lệ lao động làm việc ở nhóm nghề lao động giản đơn lại cao. Ở chiều ngược lại, những dân tộc thiểu số có số lao động làm việc chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số lao động làm việc toàn tỉnh thì tỷ lệ lao động làm việc trong ở những nhóm nghề lao động có kỹ thuật lại cao, tỷ lệ lao động làm việc trong nhóm nghề lao động giản đơn thấp.

Hình 7: Tỷ trọng lao động dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên làm việc trong những nhóm nghề lao động có kỹ thuật và nhóm nghề lao động giản đơn, Hà Giang, 1/10/2019

Đơn vị: % 

3. Thất nghiệp

Trong điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiều số năm 2019, thất nghiệp là những người từ 15 tuổi trở lên không có việc làm, có các hoạt động tìm kiếm việc làm và sẵn sàng làm việc ngay khi có cơ hội việc làm trong giai đoạn tham chiếu. Thất nghiệp là vấn đề kinh tế - xã hội không những được quan tâm ở tầm quốc gia mà các địa phương cũng rất quan tâm để giám sát và xây dựng các chính sách việc làm, an sinh xã hội. Thông tin về tình trạng thất nghiệp của người dân tộc thiểu số giúp đánh giá cung và cầu của thị trường lao động, đo lường mức độ sử dụng các nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển để ban hành và điều chỉnh các chính sách lao động việc làm liên quan tới người dân tộc thiểu số.

Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp của người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh là 1,04%, thấp hơn so với của cả nước 0,36 điểm phần trăm và thấp hơn so với vùng Trung du và miền núi phía Bắc 0,15 điểm phần trăm.

Trên địa bàn tỉnh, không có sự chênh lệch nhiều về tỷ lệ thất nghiệp của người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên giữa khu vực thành thị với khu vực nông thôn (0,87% so với 1,05%); giữa nam giới với nữ giới (1,14% so với 0,93%). 

Xem xét theo một số dân tộc thiểu số cho thấy có sự khác nhau giữa các dân tộc thiểu số về tỷ lệ thất nghiệp. Năm dân tộc thiểu số có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất là Pu Péo (9,56%), Sán Chay (4,98%), Phù Lá (4,75%), Thái (4,28%), Hoa (3,36%). Năm dân tộc có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất là Lô Lô (0,60%), La Chí (0,33)%), Giáy (0,24%), Cơ Lao (0,19%), Pà Thẻn (0,08%).

Hình 8: Tỷ lệ thất nghiệp của người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên của một số dân tộc chủ yếu, Hà Giang, 1/10/2019 

Đơn vị: %

Các chỉ tiêu chủ yếu về lực lượng lao động, việc làm và thất nghiệp thu thập, tính toán được từ cuộc điều tra trên đây đã phần nào phản ánh bức tranh tổng thể, khái quát về tình trạng lao động và việc làm của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh năm 2019. Qua đó giúp các cấp, cấp ngành, các cơ quan quản lý có cơ sở để xây dựng, hoạch định các chính sách và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu trong những năm tới phù hợp, sát với thực tiễn và mang lại hiệu quả cao./. 

Tăng Bá Tuyên

Tin khác

NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC SAU 5 NĂM THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2016-2020 QUA SỐ LIỆU THỐNG KÊ (07/04/2021 10:41)

MỘT SỐ TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ VỀ NỘI DUNG PHƯƠNG PHÁP TẠM TÍNH TIÊU CHÍ SỐ 10 - THU NHẬP BÌNH QUÂN ĐẦU NGƯỜI/NĂM CỦA XÃ TRONG BỘ TIÊU CHÍ QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI CỦA TỔNG CỤC THỐNG KÊ (10/03/2021 14:59)

TÌNH HÌNH BIẾT ĐỌC, BIẾT VIẾT CHỮ PHỔ THÔNG VÀ BIẾT ĐỌC, BIẾT VIẾT CHỮ DÂN TỘC MÌNH CỦA NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ TỪ 15 TUỔI TRỞ LÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG QUA KẾT QUẢ ĐIỀU TRA THỰC TRẠNG KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA 53 DÂN TỘC THIỂU SỐ 2019 (19/02/2021 10:56)

TỐC ĐỘ TĂNG VÀ SỰ ĐÓNG GÓP CỦA CÁC NGUỒN THU VÀO TỐC ĐỘ TĂNG THU NHẬP BÌNH QUÂN ĐẦU NGƯỜI (1 THÁNG) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2004 - 2018 QUA KẾT QUẢ KHẢO SÁT MỨC SỐNG HỘ GIA ĐÌNH (22/01/2021 09:51)

Tin giá và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 năm 2020 (19/01/2021 08:59)

Tin giá và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 năm 2020 (14/12/2020 08:41)

Công tác thành lập Ban chỉ đạo, Tổ thường trực giúp việc chuẩn bị cho Tổng điều tra kinh tế năm 2021 trên địa bàn tỉnh Hà Giang (02/12/2020 07:53)

THỰC TRẠNG TẢO HÔN VÀ HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG QUA KẾT QUẢ ĐIỀU TRA THỰC TRẠNG KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA 53 DÂN TỘC THIỂU SỐ NĂM 2019 (26/11/2020 14:02)

Tin giá và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 năm 2020 (01/11/2020 10:14)

PHÂN TÍCH SỰ ĐÓNG GÓP CỦA CÁC KHU VỰC KINH TẾ, THUẾ SẢN PHẨM VÀ TRỢ CẤP VÀO TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG TỔNG SẢN PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG (GRDP) GIAI ĐOẠN 2011 - 2019 (12/10/2020 15:51)