Thứ sáu, Ngày 3 Tháng 5 Năm 2024

Tin chuyên ngành

Gửi Email In trang Lưu
Tác động của dịch tả lợn Châu Phi đến sự phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Hà Giang

29/04/2021 10:17

1. Diễn biến dịch tả lợn Châu phi

Dịch tả lợn Châu Phi phát hiện chính thức tại Việt Nam vào tháng 2/2019 sau đó nhanh chóng lan rộng khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Dù đã có thông tin từ sớm và có nhiều biện pháp chủ động phòng chống nhưng đến cuối tháng 5/2019, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã phát hiện lần đầu tiên tại Quang Bình. Chỉ sau vài tháng ngắn ngủi, dịch bệnh đã lây lan 10/11 huyện, thành phố. Trong thời gian 10 tháng diễn ta dịch trước khi công bố hết dịch lần 1 vào ngày 27/2/2020 đã có 2.004 hộ trên 92 xã thuộc 10 huyện, thành phố của tỉnh chịu thiệt hại. Tổng số lợn chết và tiêu hủy là 13,3 con, tổng trọng lượng thiệt hại lên tới 545,8 tấn.

Sau khi công bố hết dịch 4 tháng, dịch tả lợn Châu Phi một lần nữa quay lại Hà Giang, trong đợt dịch lần 2 đã có 10/11 huyện/thành phố xuất hiện dịch bệnh. Đến ngày 12/11/2020 ổ dịch cuối cùng đã qua 21 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh, tỉnh Hà Giang chính thức công bố hết dịch tả lợn Châu Phi đợt 2. Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy toàn tỉnh là 2,3 nghìn con, thiệt hại 102,2 tấn lợn. Do đã có kinh nghiệm phòng chống dịch từ đợt 1, thiệt hại chăn nuôi lợn do dịch tả lợn Châu Phi đợt 2 đã được khống chế ở mức thấp, chỉ bằng khoảng 20% so với đợt dịch lần 1 năm 2019.

Từ tháng 11/2020 đến nay, chăn nuôi lợn phát triển ổn định, không có dấu hiệu dịch bệnh quay trở lại. Các cấp các ngành và người chăn nuôi đang có nhiều giải pháp tích cực tái đàn để khôi phục chăn nuôi lợn.

2. Ảnh hưởng của dịch tả lợn đến phát triển tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Dịch tả lợn Châu phi diễn ra đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Theo số liệu thống kê các kỳ điều tra chăn nuôi 1/1; 1/4; 1/7; 1/10 trong hai năm 2019 và 2020, ta có thể thấy rõ những ảnh hưởng này.

Biểu: Tình hình phát triển tổng đàn lợn năm 2019 và năm 2020 

Qua biểu đồ ta có thể thấy trong giai đoạn từ tháng 1/2019 đến tháng 1/2020 tổng đàn lợn liên tục giảm. Trong đó tổng đàn giảm từ tháng 1/2019 đến tháng 4/2019 là do chu kỳ chăn nuôi hàng năm vào giai đoạn tết Nguyên đán, các hộ chăn nuôi giết mổ nhiều dẫn đến tổng đàn giảm. Nhưng từ tháng 4/2019 đến tháng 1/2020 tổng đàn giảm do ảnh hưởng của dịch Tả lợn Châu Phi. Tổng đàn lợn giảm do các nguyên nhân sau:

1. Dịch tả lợn Châu Phi lan nhanh, lợn bị mắc bệnh không có thuốc đặc trị nên phải tiêu hủy. Nhưng đây không phải nguyên nhân chính vì số lượng lợn tiêu hủy chỉ chiếm khoảng 2,5% tổng đàn năm 2019.

2. Trong thời gian dịch, việc mua bán, vận chuyển lợn giữa các địa phương  bị kiểm xoát dẫn đến tái đàn cơ học bị hạn chế.

3. Giá bán lợn giống tăng cao, nguồn cung khan hiếm, hộ chăn nuôi gặp nhiều khó khăn trong việc tái đàn.

4. Một phần hộ chăn nuôi sau khi xuất chuồng lợn không tiến hành tái đàn do lo ngại ảnh hưởng của dịch bệnh.

5. Do quy định về phòng chống dịch, các huyện, thành phố vận động người dân không vận chuyển lợn từ nơi khác đến, chỉ giết mổ lợn tại địa bàn đã làm cho tổng đàn tại chỗ giảm nhanh.

Sau khi chính thức công bố hết dịch Tả lợn Châu Phi lần 1 vào tháng 2/2020, các cấp các ngành nhanh chóng hướng dẫn hộ chăn nuôi vệ sinh chuồng trại và triển khai công tác tái đàn đảm bảo an toàn. Trong 6 tháng đầu năm, từ tháng 1/2020 đến tháng 7/2020 tốc độ tái đàn đạt khá, tổng đàn tăng từ 529,9 nghìn con 571,5 nghìn con. Tuy nhiên từ tháng 7/2020 đến tháng 1/2021 tốc độ tăng đàn giảm, dù đã có rất nhiều chương trình hỗ trợ tái đàn do dịch tả lợn Châu Phi tái phát lần 2 vào tháng 6 năm 2020. Đến cuối năm tổng đàn đạt 571,5 nghìn con. So với cùng kỳ năm 2020 tổng đàn lợn tăng khá cao, đạt 7,87%, tuy nhiên so với năm 2018, khi chưa xảy ra dịch bệnh, tổng đàn lợn chỉ tái đàn đạt 91,16%.

3. Ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi đến xuất chuồng lợn:

Dịch tả lợn Châu phi xuất hiện đã gây thiệt hại lớn cho các hộ chăn nuôi trên cả nước. Số lượng lợn mắc bệnh phải tiêu hủy tăng nhanh đột biến đồng thời việc kiểm xoát chặt chẽ vận chuyển, giết mổ đã làm sản lượng lợn của nhiều tỉnh giảm mạnh. Tuy nhiên, khác với các tỉnh, thành phố khác, theo số liệu điều tra chăn nuôi chính thức năm 2019 và 2020, mặc dù cũng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng sản lượng xuất chuồng lợn của tỉnh Hà Giang không giảm mà còn tăng lên. Vậy nguyên nhân thực tế do đâu?

Có thể nói, sản lượng xuất chuồng lợn của tỉnh Hà Giang không bị giảm mạnh giống như các tỉnh khác trong khu vực có hai nguyên nhân chính: Số lợn bị mắc bệnh phải tiêu thụ của tỉnh Hà Giang không cao, chỉ chiếm khoảng 3% tổng đàn lợn thịt năm 2019. Đây là mức thiệt hại khá thấp so với mức khoảng 10% của các tỉnh, thành phố khác. Mặt khác do định hướng trong phương pháp chống dịch của các huyện, thành phố trong tỉnh, trong giai đoạn đầu xảy ra dịch bệnh, hầu hết các huyện đều cấm giết mổ, buôn bán, vận chuyển để hạn chế tối đa việc dịch bệnh lây lan do vận chuyển lợn từ ngoài địa bàn. Tuy nhiên, do thịt lợn là nguồn thực phẩm quen thuộc của người dân, trong một thời gian ngắn, không thể thay đổi thói quen nên các huyện đã thay đổi bằng cách không cấm giết mổ mà thay vào đó vận động người dân sử dụng thịt lợn nuôi tại địa bàn. Việc làm này đã đảm bảo được việc cung cấp thực phẩm của người dân và hạn chế vận chuyển lợn từ nơi khác đến. Trước khi xảy ra dịch, có 2 nguồn cung cấp thịt lợn, một là từ ngoài địa bàn, hai là tại địa bàn. Nhưng khi xảy ra dịch, nguồn cung từ ngoài địa bàn bị hạn chế, để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng, việc xuất chuồng lợn tại địa bàn phải tăng lên.

Kết luận:

Cùng bị tác động của dịch tả lợn Châu Phi nhưng so với các tỉnh, thành phố trong cả nước và trong khu vực miền núi phía Bắc, thiệt hại về kinh tế trên địa bàn tỉnh Hà Giang là không quá nặng nề. Cụ thể do các nguyên nhân sau:

1. Chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh chủ yếu quy mô nhỏ, lẻ và chăn nuôi các giống lợn địa phương. Việc vận chuyển lợn chủ yếu phục vụ giết mổ, một phần lợn giống cung cấp cho các huyện vùng thấp và các thị trấn vùng cao.

2. Do đặc điểm điều kiện địa hình, các hộ chăn nuôi không quá gần nhau. Việc lây lan chéo giữa các hộ chăn nuôi cũng được hạn chế .

3. Hà Giang phát hiện bệnh khá muộn so với các tỉnh lân cận, căn cứ trên kinh nghiệm của các tỉnh bạn, một loạt các biện pháp phòng, chống, dập dịch được triển khai đồng thời và nghiêm túc trên toàn tỉnh đã góp phần nhanh chóng khống chế dịch.

4. Trong thời gian diễn ra dịch bệnh, hầu hết các huyện đều vận động người dân không tiêu thụ lợn từ ngoài địa bàn mà chủ yếu giết mổ lợn tại chỗ. Việc làm này đã hạn chế được một phần nguy cơ lây lan mà vẫn đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân.

Nguyễn Thị Phương

Tin khác

GIÁM SÁT ĐIỀU TRA BIẾN ĐỘNG DÂN SỐ VÀ KHHGĐ THỜI ĐIỂM 1/4/2021 TẠI HÀ GIANG (14/04/2021 16:06)

LAO ĐỘNG VÀ VIỆC LÀM CỦA NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ TỪ 15 TUỔI TRỞ LÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG QUA KẾT QUẢ ĐIỀU TRA THỰC TRẠNG KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA 53 DÂN TỘC THIỂU SỐ NĂM 2019 (07/04/2021 11:12)

NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC SAU 5 NĂM THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2016-2020 QUA SỐ LIỆU THỐNG KÊ (07/04/2021 10:41)

MỘT SỐ TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ VỀ NỘI DUNG PHƯƠNG PHÁP TẠM TÍNH TIÊU CHÍ SỐ 10 - THU NHẬP BÌNH QUÂN ĐẦU NGƯỜI/NĂM CỦA XÃ TRONG BỘ TIÊU CHÍ QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI CỦA TỔNG CỤC THỐNG KÊ (10/03/2021 14:59)

TÌNH HÌNH BIẾT ĐỌC, BIẾT VIẾT CHỮ PHỔ THÔNG VÀ BIẾT ĐỌC, BIẾT VIẾT CHỮ DÂN TỘC MÌNH CỦA NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ TỪ 15 TUỔI TRỞ LÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG QUA KẾT QUẢ ĐIỀU TRA THỰC TRẠNG KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA 53 DÂN TỘC THIỂU SỐ 2019 (19/02/2021 10:56)

TỐC ĐỘ TĂNG VÀ SỰ ĐÓNG GÓP CỦA CÁC NGUỒN THU VÀO TỐC ĐỘ TĂNG THU NHẬP BÌNH QUÂN ĐẦU NGƯỜI (1 THÁNG) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2004 - 2018 QUA KẾT QUẢ KHẢO SÁT MỨC SỐNG HỘ GIA ĐÌNH (22/01/2021 09:51)

Tin giá và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 năm 2020 (19/01/2021 08:59)

Tin giá và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 năm 2020 (14/12/2020 08:41)

Công tác thành lập Ban chỉ đạo, Tổ thường trực giúp việc chuẩn bị cho Tổng điều tra kinh tế năm 2021 trên địa bàn tỉnh Hà Giang (02/12/2020 07:53)

THỰC TRẠNG TẢO HÔN VÀ HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG QUA KẾT QUẢ ĐIỀU TRA THỰC TRẠNG KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA 53 DÂN TỘC THIỂU SỐ NĂM 2019 (26/11/2020 14:02)