Thứ sáu, Ngày 3 Tháng 5 Năm 2024

Tin chuyên ngành

Gửi Email In trang Lưu
NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC SAU 5 NĂM THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2016-2020 QUA SỐ LIỆU THỐNG KÊ

07/04/2021 10:41

Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giai đoạn 2016 – 2020, nền nông nghiệp của Hà Giang đã có nhiều khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.

Tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông thôn luôn là chủ trương và mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ và các địa phương trong quá trình phát triển đất nước. Các địa phương đã mạnh dạn điều chỉnh kế hoạch thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp nhằm phù hợp hơn với tình hình thực tế, trong đó lấy nông dân là trọng tâm, doanh nghiệp là động lực của đề án tái cơ cấu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp.

Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNN) là một ngành rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang, với tỷ trọng chiếm khoảng 30% GRDP, diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng 83% so diện tích tự nhiên, lao động nông nghiệp/nông thôn chiếm trên 85% dân số của tỉnh (Niên giám Thống kê Hà Giang, 2020).

Thời gian qua, Hà Giang đã xác định mục tiêu cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Kết quả, lĩnh vực NN&PTNN có bước phát triển khá tốt, đóng góp tích cực vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 6,46%, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 19 triệu lên 28 triệu/năm (Số liệu thống kê 2020). Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp tại Hà Giang vẫn gặp những khó khăn và hạn chế nhất định.

Trong sản xuất, năng suất có tăng nhưng còn ở mức thấp, số lượng sản phẩm chưa đủ để cung ứng theo yêu cầu thị trường. Hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã chưa đủ sức để làm cơ sở tham gia liên kết với các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm. Các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ và sự gắn kết chuỗi giá trị sản phẩm chưa thật sự chặt chẽ. Thu nhập và đời sống của một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

I. Thực trạng tái cơ cấu nông nghiệp tại Hà Giang

1. Tổng quan phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Hà Giang

Trong giai đoạn 2016-2020, chuyển dịch cơ cấu nông, lâm, thủy sản trong cơ cấu chung của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, theo hướng giảm dần cơ cấu này. Tỷ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản trong GRDP giảm từ 33,4% năm 2016 xuống còn 31,5% vào năm 2020.

Bảng 1. Giá trị đóng góp GRDP ngành NLN&TS

Đơn vị tính: Tỷ đồng

Năm

2016

2017

2018

2019

2020

Toàn tỉnh

18.003

19.972

22.039

24.066

25.598

Nông lâm thủy sản

6.018

6.227

6.594

7.004

8.061

Nông nghiệp

5.021

5.147

5.487

5.825

6.918

Lâm nghiệp

946

1.029

1.053

1.123

1.084

Thủy sản

51

51

54

56

59

Nguồn: Số liệu thống kê 2020

Trong cơ cấu đóng góp của ngành nông lâm nghiệp và thủy sản, lĩnh vực nông nghiệp luôn chiếm tỷ trọng lớn trong GRDP, trung bình là 83,7% trong toàn giai đoạn 2016 – 2020. Trong khi, lĩnh vực thủy sản đóng góp không đáng kể với khoảng 0,8%, còn lại là lĩnh vực lâm nghiệp với đóng góp 15,5%.

Hình 1. Cơ cấu ngành nông nghiệp năm 2016 và 2020


Qua biểu đồ (Hình 1) cho thấy, sau 5 năm triển khai Đề án Tái cơ cấu, cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp có những chuyển dịch rõ nét: Trồng trọt giảm 7,28% chiếm 62%; Lâm nghiệp tăng 5,08% và chiếm 14%; Chăn nuôi- thủy sản tăng bình quân 2,26% và chiếm 24%. 

2. Kết quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Với định hướng và chính sách phát triển nông nghiệp đồng bộ, sản xuất nông, lâm, thủy sản đã có nhiều chuyển biến tích cực, đúng hướng. Trong đó, sẽ tập trung trên những cây – con chủ lực (cây cam, cây chè, cây dược liệu và con trâu- bò, con ong lấy mật) được phát huy hiệu quả, cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo hướng năng suất, chất lượng. Bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung, đáp ứng nguồn nguyên liệu ngày càng tốt hơn cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Việc đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, trồng xen, nuôi xen được đẩy mạnh, công tác kiểm soát dịch bệnh được tăng cường, hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện và phát huy hiệu quả. Chuyển dịch cơ cấu trong từng lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đã theo hướng tích cực, giá trị gia tăng ngày càng cao.

a. Chuyển dịch cơ cấu trong lĩnh vực trồng trọt

Diện tích các cây trồng có giá trị kinh tế thấp hơn đang được chuyển dần sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Diện tích lúa, ngô giảm dần để chuyển sang trồng cam và các loại khác có hiệu quả hơn như cây chè, cây ăn quả, rau màu, cỏ chăn nuôi. Đặc biệt là, diện tích cam tăng và phát triển theo hướng hữu cơ, diện tích trồng cây ăn quả tăng và phát triển theo hướng chuyên canh, trồng các loại cây đặc sản có giá trị cao và sản xuất theo hướng an toàn sinh học, tiêu chuẩn VIETGAP, phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, kết hợp phát triển du lịch.

Bảng 2: Diện tích 1 số cây trồng giai đoạn 2016-2020

Đơn vị tính: Ha 

Năm

2016

2017

2018

2019

2020

Lúa

37.441

37.512

37.488

37.452

37.521

Rau, đậu các loại

20.985

21.057

21.123

21.254

21.382

Cây ăn quả

13.477

14.088

144.728

15.682

15.751

Cam

8.123

8.306

8.732

9.310

8.570

Chè

20.378

20.626

20.810

20.667

20.353

Nguồn: Số liệu Thống kê 2020

b. Chuyển dịch cơ cấu trong lĩnh vực chăn nuôi

 Cơ cấu các sản phẩm gia súc và gia cầm trên địa bàn tỉnh không có sự thay đổi lớn. Quá trình chuyển dịch trong khu vực chăn nuôi được thực hiện theo hướng chăn nuôi quy mô lớn, giảm dần các hộ nhỏ lẻ, năng suất thấp. Theo đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục phát triển khá theo hướng trang trại, gia trại và nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. (Bảng 3)

Bảng 3: Tổng đàn gia súc, gia cầm và đàn ong giai đoạn 2016-2020 

Năm

Đvị

2016

2017

2018

2019

2020

Tổng đàn bò

Con

104.016

110.461

116.995

119.853

122.683

Tổng đàn lợn

Con

530.696

555.381

626.901

529.865

751.505

Tổng đàn gia cầm

1000 con

4.238

4.321

4.759

4.966

4.152

Tổng đàn ong

Tổ

34.093

43.171

50.588

52.267

58.754

Nguồn: Số liệu Thống kê 2020

c. Một số chương trình điển hình phục vụ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Thứ nhất, phát triển và mở rộng diện tích các loại cam sành, chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại các huyện bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì…

Thứ hai, các mô hình phát triển trong nông nghiệp đã có sự liên kết giữa các doanh nghiệp với người nông dân điển hình như: sản xuất mạ khay kết hợp với máy cấy tại huyện Quang Bình; mô hình liên kết trồng dứa, chuối, nghệ tại huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Bắc Mê…

Thứ ba, mở rộng phát triển chăn nuôi bò hàng hóa và nuôi ong mật Bạc hà tại 4 huyện Cao nguyên đá là Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ…

Thứ tư, phục hồi, cải tạo và mở rộng qui mô sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi mang tính đặc sản của địa phương như gà xương đen của đồng bào dân tộc Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn, hồng không hạt huyện Yên Minh, Quản Bạ…

3. Những khó khăn và nguyên nhân trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Hà Giang

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp tại Hà Giang thời gian qua còn những khó khăn, hạn chế nhất định với những nguyên nhân sau:

Một là, nhiều chính sách không phù hợp và quá trình thực thi còn nhiều bất cập. Nguyên nhân do công tác phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ giữa các Sở, ngành, tỉnh và các phòng, ban, huyện chưa thực sự nhịp nhàng nên việc triển khai các chính sách của Trung ương lẫn địa phương chưa thật sự hiệu quả.

Hai là, sản xuất nông nghiệp vẫn manh mún, bó hẹp trong mô hình kinh tế hộ. Điều này xuất phát từ tư duy sản xuất nông nghiệp, tư duy kinh tế nông nghiệp theo quy mô lớn của người nông dân và cả đội ngũ quản lý tại địa phương còn hạn chế. Bên cạnh đó, nguồn lực sản xuất tự có hạn hẹp, khả năng tiếp cận nguồn vốn vay khó khăn cũng khiến quy mô sản xuất nông nghiệp theo hộ gia đình là chủ yếu.

Ba là, chưa hình thành và vận hành được chuỗi giá trị bền vững nên giá trị gia tăng trong nông nghiệp chưa cao. Nguyên nhân là do liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ dịch vụ đầu vào và ký kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra chưa bền vững. Điều này xuất phát từ cả người dân và doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị. Nhiều doanh nghiệp phá vỡ các liên kết do thị trường đầu ra bị hạn chế đã làm mất lòng tin của người dân, trong khi đó người dân cũng không tuân thủ các liên kết đã ký kết vì những lợi ích nhất thời.

Bốn là, các hình thức kinh tế tập thể chưa phát huy hiệu quả trong thời gian dài. Nguyên nhân là do đa số các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh mới được thành lập, quy mô còn nhỏ lẻ, chưa có hợp đồng đầu ra ổn định, dẫn đến giảm sức thu hút người dân tự nguyện tham gia.

Năm là, điều kiện tự nhiên, địa lý của Hà Giang còn nhiều khó khăn. Hà Giang là tỉnh có địa hình chia cắt, sông suối chằng chịt, địa chất công trình yếu,... nên chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình thủy lợi đầu mối tốn nhiều chi phí, dẫn đến đầu tư thiếu đồng bộ và chậm phát huy hiệu quả sử dụng công trình.

4. Một số định hướng, giải pháp phát triển

Với thực trạng tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bản tỉnh cũng như những hạn chế và nguyên nhân đã nhận diện được, thời gian tới, Hà Giang cần chú trọng vào các vấn đề trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững:

Về cải cách thể chế, đẩy mạnh thực thi các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác (hợp tác xã, tổ hợp tác) các nhóm kinh tế tự nguyện tham gia vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Trong đó, cần tăng cường sự tham gia của các hiệp hội ngành hàng trong các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn và chuyển giao một số chức năng dịch vụ công của Nhà nước cho các hiệp hội (xúc tiến thương mại, khuyến nông, dự báo thị trường, tiêu chuẩn chất lượng, xử lý tranh chấp...). Cần đẩy mạnh mối quan hệ liên kết giữa Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp. Nâng cao năng lực tổ chức quản lý và hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ nông nghiệp đầu vào, chế biến nông sản và tiếp cận thị trường cho các thành viên.

Về hoàn thiện hệ thống chính sách, tỉnh cần tập trung xây dựng các chính sách để phát triển và đa dạng hóa các hình thức khuyến nông, giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác và nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thất thoát sau thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ nông dân kết nối với các doanh nghiệp chế biến, hệ thống tiêu thụ sản phẩm, từng bước hình thành mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng kết nối sản xuất. Bên cạnh đó, cần hạn chế việc thu hồi đất nông nghiệp cho các mục đích khác, tạo điều kiện thuận lợi về chính sách để nông dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong nội bộ ngành, đạt hiệu quả sử dụng cao hơn, đặc biệt là chuyển đổi đất lúa sang các lĩnh vực nông nghiệp khác.

Về quy hoạch phát triển nông nghiệp, cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế của tỉnh, đảm bảo thực hiện chiến lược phát triển xanh và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, loại bỏ các dự án treo, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, nhất là sự kết hợp giữa quy hoạch tổng thể của tỉnh với quy hoạch ngành, lĩnh vực và thực hiện công khai, minh bạch đối với các loại quy hoạch.

Về khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân, Hà Giang cần đẩy mạnh hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Chuyển dần việc cung cấp một số dịch vụ công sang cho tư nhân và các tổ chức xã hội thực hiện, tăng tỷ lệ vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước trong tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp. Bên cạnh đó, phát triển các hình thức đầu tư có sự tham gia giữa Nhà nước và tư nhân (đối tác công tư, hợp tác công tư,...) để huy động nguồn lực xã hội cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Nhìn chung, sau 5 năm triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngoài bộ mặt nông nghiệp, nông thôn đã có nhiều khởi sắc thì người nông dân đã biết cách tổ chức lại sản xuất, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Điểm nhấn mang tính đột phá, quyết định đó chính là Đề án đã góp phần làm thay đổi nhanh chóng cách nghĩ, cách làm của người dân. Người nông dân đã biết liên kết với nhau từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, đã góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo và thúc đẩy quá trình xây dựng thành công nông thôn mới trên địa bàn của tỉnh.

Nguyễn Dương Hoàng

Tin khác

MỘT SỐ TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ VỀ NỘI DUNG PHƯƠNG PHÁP TẠM TÍNH TIÊU CHÍ SỐ 10 - THU NHẬP BÌNH QUÂN ĐẦU NGƯỜI/NĂM CỦA XÃ TRONG BỘ TIÊU CHÍ QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI CỦA TỔNG CỤC THỐNG KÊ (10/03/2021 14:59)

TÌNH HÌNH BIẾT ĐỌC, BIẾT VIẾT CHỮ PHỔ THÔNG VÀ BIẾT ĐỌC, BIẾT VIẾT CHỮ DÂN TỘC MÌNH CỦA NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ TỪ 15 TUỔI TRỞ LÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG QUA KẾT QUẢ ĐIỀU TRA THỰC TRẠNG KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA 53 DÂN TỘC THIỂU SỐ 2019 (19/02/2021 10:56)

TỐC ĐỘ TĂNG VÀ SỰ ĐÓNG GÓP CỦA CÁC NGUỒN THU VÀO TỐC ĐỘ TĂNG THU NHẬP BÌNH QUÂN ĐẦU NGƯỜI (1 THÁNG) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2004 - 2018 QUA KẾT QUẢ KHẢO SÁT MỨC SỐNG HỘ GIA ĐÌNH (22/01/2021 09:51)

Tin giá và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 năm 2020 (19/01/2021 08:59)

Tin giá và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 năm 2020 (14/12/2020 08:41)

Công tác thành lập Ban chỉ đạo, Tổ thường trực giúp việc chuẩn bị cho Tổng điều tra kinh tế năm 2021 trên địa bàn tỉnh Hà Giang (02/12/2020 07:53)

THỰC TRẠNG TẢO HÔN VÀ HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG QUA KẾT QUẢ ĐIỀU TRA THỰC TRẠNG KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA 53 DÂN TỘC THIỂU SỐ NĂM 2019 (26/11/2020 14:02)

Tin giá và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 năm 2020 (01/11/2020 10:14)

PHÂN TÍCH SỰ ĐÓNG GÓP CỦA CÁC KHU VỰC KINH TẾ, THUẾ SẢN PHẨM VÀ TRỢ CẤP VÀO TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG TỔNG SẢN PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG (GRDP) GIAI ĐOẠN 2011 - 2019 (12/10/2020 15:51)

ĐIỀU KIỆN Ở VÀ SINH HOẠT CỦA CÁC HỘ DÂN CƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG QUA KẾT QUẢ TỔNG ĐIỀU TRA DÂN SỐ VÀ NHÀ Ở NĂM 2019 (08/10/2020 11:01)