Thứ năm, Ngày 25 Tháng 4 Năm 2024

Phóng sự ảnh

Lịch sử phát triển

Lịch sử phát triển ngành Thống kê tỉnh Hà Giang

10/05/2017 08:53

Ngay trong thời gian đầu cách mạng mới thành công, trong muôn vàn khó khăn của thời kỳ chống thù trong giặc ngoài, ngày 06/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ký sắc lệnh số 61/SL quy định bộ máy tổ chức của Bộ quốc dân kinh tế gồm các phòng, ban, nha trực thuộc, trong đó có Nha Thống kê Việt Nam.

Để phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội trong thời kỳ này, ngày 20/02/1956, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Điều lệ số 695/TTg quy định về Tổ chức Cục Thống kê Trung ương, các cơ quan Thống kê địa phương và các tổ chức Thống kê các Bộ của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Cục Thống kê Trung ương và các cơ quan Thống kê ở các địa phương là một hệ thống thống nhất, tập trung.

          Thi hành Điều lệ 695/TTg ngày 20/2/1956 thành lập Cục Thống kê Trung ương trong Ủy ban Kế hoạch Nhà nước thì cuối năm 1957 Ủy ban Hành chính tỉnh Hà Giang mới có Quyết định lập Chi cục Thống kê trong Ủy ban Kế hoạch tỉnh do đồng chí Dương Mạc Thạch - Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh kiêm Chi cục trưởng và đồng chí Quản Văn Lạc - Chi cục phó, từ đây hình thành ngành Thống kê tỉnh Hà Giang.

Đồng thời cũng ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ của Chi cục Thống kê tỉnh, Phòng Thống kê các huyện, thị xã, Ban Thống kê xã. Đây là mô hình tiền thân của các Chi cục Thống kê huyện, thành phố và Thống kê xã, phường ngày nay.

          Chi cục Thống kê tỉnh Hà Giang là cơ quan trực thuộc Uỷ ban hành chính tỉnh Hà Giang, đồng thời chịu sự chỉ đạo về chuyên môn của Cục Thống kê Trung ương. Hoạt động chủ yếu của Chi cục là thực hiện công tác thống kê tổng hợp, bước đầu xây dựng đội ngũ cán bộ thống kê, đồng thời xây dựng các quy chế hoạt động của công tác thống kê, hoàn thiện dần các chỉ tiêu thống kê.

          Trên cơ sở Điều lệ số 695/TTg, ngày 8/4/1957 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 142/TTg, quy định lại tổ chức, nhiệm vụ của cơ quan Thống kê các cấp, các ngành, như sau:

          1. Cục Thống kê Trung ương (trong Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước)

          2. Các Chi cục Thống kê Liên khu, Khu, Thành phố, Tỉnh.

          3. Phòng Thống kê Huyện, Châu

          4. Ban Thống kê Xã

          5. Các tổ chức Thống kê của các Bộ, các ngành Trung ương và các cơ quan, xí nghiệp trực thuộc.

          Cùng với bước chuyển đổi lịch sử của đất nước, ngành Thống kê cũng có bước chuyển đổi quan trọng. Cuối năm 1960 (ngày 21/12/1960) Ban Thường vụ Quốc Hội ra Nghị quyết số 05/NQ-TVQH tách Cục Thống kê Trung ương ra khỏi Ủy ban Kế hoạch Nhà nước thành cơ quan thuộc chính phủ, đổi tên là Tổng Cục Thống kê và đến 29/9/1961 Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 131/CP với chức năng, nhiệm vụ chung của Tổng cục Thống kê là có trách nhiệm chỉ đạo tập trung thống nhất toàn bộ công tác điều tra thống kê theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ sưu tầm và chỉnh lý, phân tích các tài liệu Thống kê nhằm phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân. Thời kỳ này Ông Nguyễn Văn Lục giữ chức Chi cục trưởng Chi cục Thống kê tỉnh Hà Giang; Ông Dương Phúc Nguyên giữ chức Chi cục phó Chi cục Thống kê tỉnh Hà Giang.

          Thực hiện Nghị định 72/CP ngày 05/4/1974 của Thủ tướng Chính phủ quy định Tổng cục Thống kê quản lý tập trung thống nhất hệ thống thống kê Nhà nước (từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã). Đến đầu năm 1975 tỉnh Hà Giang mới tiến hành giao nhận Chi cục Thống kê từ Ủy ban Kế hoạch tỉnh. Từ đây Thống kê Hà Giang tổ chức theo ngành dọc từ tỉnh đến huyện, thị xã. Thời kỳ này ông Trần Thi giữ chức Chi cục trưởng; Ông Dương Phúc Nguyên giữ chức Chi cục phó, tại văn phòng Chi cục Thống kê có 7 phòng gồm Phòng Tổ chức - Thanh tra; phòng Hành chính - Quản Trị; phòng Nông - Lâm nghiệp; phòng Công nghiệp - XDCB - Vận tải; phòng Thương nghiệp; phòng Tổng hợp, Cân đối, Phương pháp chế độ; phòng Máy tính. Ở cấp huyện, thị xã có 9 phòng gồm phòng Thống kê Thị xã Hà Giang; phòng Thống kê huyện Mèo Vạc; phòng Thống kê huyện Đồng Văn; phòng Thống kê huyện Yên Minh; phòng Thống kê huyện Quản Bạ; phòng Thống kê huyện Vị Xuyên; phòng Thống kê huyện Bắc Quang; phòng Thống kê huyện Hoàng Su Phì; phòng Thống kê huyện Xín Mần.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc hợp nhất hai tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang thành tỉnh mới Hà Tuyên. Ngày 02/4/1976 Chi cục Thống kê tỉnh Hà Tuyên chính thức được thành lập. Về tổ chức, ngành Thống kê Hà Tuyên gồm các phòng nghiệp vụ trong văn phòng Chi cục Thống kê tỉnh và các phòng Thống kê huyện, thị xã. Thời kỳ này Ông Trần Thi giữ chức vụ Chi cục trưởng Chi cục Thống kê tỉnh Hà Tuyên; Ông Phạm Văn Chẩn và Ông Mai Đức Khai giữ chức Chi cục phó Chi cục Thống kê tỉnh Hà Tuyên. Tại Chi cục Thống kê tỉnh có 11 phòng và 01 trường sơ cấp Thống kê gồm phòng Tổ chức, Đào tạo, Thanh tra; phòng Hành chính, Quản Trị; phòng Tổng hợp, Phương pháp chế độ; phòng Thống kê Nông - Lâm nghiệp - Thủy sản; phòng Công nghiệp; phòng Thống kê XDCB - GTVT - Vật tư; phòng Thống kê Cân đối; phòng Thống kê Thương nghiệp, Giá cả; phòng Thống kê Văn xã - Đời sống; phòng Dân số - Lao động; phòng Máy tính; Trường sơ cấp Thống kê. Các huyện, thị xã gồm 02 phòng Thống kê Thị xã và 13 phòng Thống kê huyện.

Ngày 12/12/1987 Ban bí thư Trung ương ra Thông báo số 46/TB-TƯ về việc sát nhập một số Bộ, ngành và giảm đầu mối tổ chức ở các địa phương. Trong đó Tổng cục Thống kê giao tổ chức Thống kê các địa phương về UBND tỉnh quản lý. Ở Hà Tuyên, Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 50 thực hiện thông báo của Ban bí thư Trung ương Đảng, tỉnh Hà Tuyên giảm dần đầu mối tổ chức, tinh giảm bộ máy hành chính triệt để. Ngành thống kê chuyển về cấp quản lý, nhập vào Ủy ban kế hoạch tỉnh, được gọi là Chi cục Thống kê và không còn tổ chức, tài khoản riêng, mọi kinh phí hoạt động do Ủy ban kế hoạch tỉnh Chi phối.

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII, tỉnh Hà Tuyên được chia tách để tái lập tỉnh, tách tỉnh Hà Tuyên thành hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Ngày 27/5/1992 Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang có Quyết định số 208/QĐ-UB về việc tách Chi cục Thống kê trực thuộc Ủy ban Kế hoạch thành Cục Thống kê tỉnh Hà Giang. Tại các huyện, thị xã thành lập 10 phòng Thống kê do Cục Thống kê trực tiếp quản lý về chuyên môn, biên chế, quỹ lương. Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Hà Giang là Ông Nguyễn Hữu Giám, Ông Nguyễn Hữu Hạnh giữ chức vụ phó Cục trưởng. Tại Văn phòng Cục có 03 phòng gồm phòng Tổng hợp - Thông tin; phòng Tổ chức - Hành chính; phòng Sản xuất - Kinh doanh. Phòng Thống kê các huyện, thị xã có 10 phòng.

Từ năm 1997 đến năm 2004 Cục Thống kê tỉnh Hà Giang tổ chức thành 05 phòng  và 26 cán bộ gồm phòng Tổng hợp - Thông tin nhanh; phòng Nông, lâm nghiệp; phòng Thương mại - Dân số; phòng Công nghiệp - XDCB; phòng Tổ chức - Hành chính. Các huyện, thị xã có 10 phòng Thống kê với 42 cán bộ. Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Hà Giang ông Nguyễn Hữu Hạnh, bà Nguyễn Thị Soạn Phó Cục trưởng.

Ngày 22/3/2004, Tổng cục Thống kê có Quyết định số 247/QĐ-TCTK quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thống kê tỉnh Hà Giang, Cục Thống kê Hà Giang hoạt động theo mô hình 06 phòng và 11 phòng Thống kê các huyện, thị xã. Tuy nhiên đến tháng 07/2005 cục Thống kê Hà Giang mới thực hiện theo mô hình này gồm: phòng Thống kê Tổng hợp; phòng Thống kê Nông nghiệp; phòng Thống kê Thương Mại; phòng Thống kê Dân số - Văn xã; phòng Thống kê Công nghiệp - XDCB; phòng Tổ chức - Hành chính. Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Hà Giang ông Nguyễn Hữu Hạnh, Bà Nguyễn Thị Soạn giữ chức vụ Phó Cục trưởng. Năm 2008 ông Nguyễn Hữu Hạnh nghỉ hưu, bà Nguyễn Thị Soạn được bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng, bà Nguyễn Thị Hồng được bổ nhiệm Phó Cục trưởng, Ông Vũ Văn Hồng được bổ nhiệm Phó Cục trưởng.

Ngày 24/8/2010 thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 54/2010/QĐ-TTg về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng Cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cục Thống kê tỉnh Hà Giang  gồm 06 phòng và 11 Chi cục Thống kê huyện, thị xã. Đây là Quyết định rất quan trọng trong phân cấp quản lý, Chi cục Thống kê các huyện, thành phố có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, trụ sở riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước. Cục trưởng Cục Thống kê bà Nguyễn Thị Soạn, từ 01/01/2011 bà Nguyễn Thị Soạn nghỉ hưu; Ông Vũ Văn Hồng được bổ nhiệm Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Hà Giang, Bà Nguyễn Thị Hồng và Ông Trần Vĩnh Nội giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục Thống kê. Thực hiện Quyết định số 43/QĐ-TCTK ngày 14/01/2011 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thống kê tỉnh Hà Giang, Cục Thống kê hoạt động theo mô hình 06 phòng và Thanh tra Cục cùng 11 Chi cục Thống kê các huyện, thành phố. Ngày 02/4/2014 thực hiện Quyết định số 236/QĐ-TCTK về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thống kê tỉnh Hà Giang, hoạt động theo mô hình 07 phòng gồm: phòng Thống kê Tổng hợp; phòng Thống kê Nông nghiệp; phòng Thống kê Công nghiệp - Xây dựng; phòng Thống kê Thương Mại; phòng Thống kê Dân số - Văn xã; phòng Thanh tra Thống kê; phòng Tổ chức - Hành chính. Cấp huyện, thành phố có 11 Chi cục Thống kê. Tổng số cán bộ công chức, nhân viên Cục Thống kê có đến 31/3/2017 là 85 người, trong đó công chức 75 người, nhân viên 10 người. Thạc sỹ 01 người, Đạt học 63 người, Cao đẳng 7 người, Trung cấp và trình độ khác 15 người.

Đặng Văn Hiếu