Thứ sáu, Ngày 3 Tháng 5 Năm 2024

Tin chuyên ngành

Gửi Email In trang Lưu
Mức sinh của dân số Hà Giang giai đoạn 2009 - 2019 qua kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 và năm 2019

02/07/2020 11:20

Tăng Bá Tuyên

Các cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở đã thu thập thông tin về lịch sử sinh sản của phụ nữ (15-49 tuổi hoặc 10-49 tuổi) thuộc các địa bàn điều tra mẫu, gồm các thông tin: Số con đã từng sinh; số con hiện còn sống; số con đã chết; tháng và năm sinh dương lịch của lần sinh gần nhất, số con trai và số con gái của lần sinh gần nhất; số con trai và số con gái được sinh ra 12 tháng trước thời điểm Tổng điều tra để ước lượng các chỉ tiêu về mức sinh. Những số liệu về mức sinh từ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 và năm 2019 sẽ cho thấy bức tranh tổng thể về thực trạng mức sinh của dân số trên địa bàn tỉnh Hà Giang trong giai đoạn 10 năm qua.

          Tổng tỷ suất sinh (TFR) - là số con đã sinh ra sống bình quân của một người phụ nữ trong suốt thời kỳ sinh đẻ (15-49 tuổi).

          Kết quả tính toán từ hai cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 và năm 2019 cho thấy, TFR của dân số trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm rõ rệt. Năm 2009, số con đã sinh ra sống bình quân của một phụ nữ trong suốt thời kỳ sinh đẻ (15-49 tuổi) là 3,08 con/phụ nữ thì con số này đến năm 2019 chỉ còn 2,47 con/phụ nữ, giảm 0,61 con/phụ nữ. TFR giảm cả ở khu vực thành thị và nông thôn, nhưng khu vực nông thôn có mức giảm cao hơn so với khu vực thành thị, các số liệu TFR tương ứng của khu vực thành thị và nông thôn qua hai cuộc Tổng điều tra 2019 và 2009 là: 1,99 con/phụ nữ và 2,54 con/phụ nữ; 2,14 con/phụ nữ và 3,21 con/phụ nữ.

Số liệu về TFR cho thấy có sự khác biệt khá lớn giữa khu vực nông thôn và thành thị. Năm 2009, chênh lệnh TFR giữa nông thôn và thành thị là 1,07 con/phụ nữ thì năm 2019 con số này đã giảm xuống còn 0,56 con/phụ nữ, tuy nhiên mức chênh lệch vẫn còn tương đối cao. Khu vực thành thị của tỉnh mức sinh hiện đã thấp hơn mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ. Sự chênh lệch này có thể do các cặp vợ chồng ở khu vực thành thị được tiếp cận với các nguồn thông tin dễ dàng hơn, nhận thức tốt hơn về lợi ích của gia đình ít con mang lại so với các cặp vợ chồng ở khu vực nông thôn và việc dễ dàng tiếp cận các cơ sở y tế cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cũng giúp họ tránh mang thai và sinh con ngoài ý muốn. Bên cạnh đó, điều kiện sống ở khu vực thành thị tốt hơn khu vực nông thôn nên tỷ lệ chết trẻ sơ sinh và chết trẻ em ở thành thị thấp hơn ở nông thôn, từ đó góp phần làm giảm nhu cầu sinh thay thế ở khu vực thành thị. Mặt khác, khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh chủ yếu là hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nên nhu cầu về lao động cao hơn nên cũng góp phần làm cho TFR khu vực này cao hơn so với khu vực thành thị.

Mức sinh của dân số trên địa bàn tỉnh giảm khá nhanh và đang tiệm cận với mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ) cho thấy sự thành công của Chương trình dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Chương trình dân số và phát triển, và nhiều chương trình, chiến dịch chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là sức khỏe sinh sản ở khu vực nông thôn nơi tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong một thập kỷ qua trên địa bàn tỉnh. Mặc dù vậy, mức sinh ở khu vực nông thôn vẫn còn cao hơn khác nhiều so với mức sinh thay thế nên trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình kết hợp với việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, trình độ dân trí ở khu vực nông thôn.

          Nghiên cứu theo các vùng trong tỉnh, kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 cho thấy, các huyện vùng núi cao phí Bắc (Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ) có mức sinh cao  nhất, TFR giao động từ 2,7 con/phụ nữ đến 3,3 con/phụ nữ; tiếp đến là các huyện vùng núi cao phía Tây (Hoàng Su Phì, Xín Mần); và vùng các huyện/thành phố còn lại (Bắc Mê, Vị Xuyên, Thành phố Hà Giang, Bắc Quang, Quang Bình) có mức sinh thấp nhất, TFR trung bình khoảng 2,3 con/phụ nữ.

          Tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi (ASFR)

          ASFR cho biết bình quân cứ 1.000 phụ nữ trong một độ tuổi (hoặc một nhóm tuổi) nhất định có bao nhiêu trẻ sinh sống trong thời kỳ nghiên cứu, thường là 12 tháng trước thời điểm điều tra.

          Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, ASFR của phụ nữ nhóm tuổi 20-24 tuổi có mức sinh cao nhất, bình quân cứ 1.000 phụ nữ trong nhóm tuổi này thì có 176 trẻ em sinh sống; tiếp đến là nhóm phụ nữ từ 15-19 tuổi với ASFR là 119 trẻ em sinh sống/1.000 phụ nữ; và nhóm phụ nữ từ 25-29 tuổi với ASFR tương ứng là 101 trẻ em sinh sống/1.000 phụ nữ; bắt đầu từ phụ nữ thuộc nhóm 30-34 trở lên, ASFR giảm dần. Như vậy, phần lớn phụ nữ trên địa bàn tỉnh sinh con ở độ tuổi 15 đến 24, sớm hơn so với toàn quốc khoảng 5 tuổi.

          Sau mười năm (2009 - 2019), mô hình sinh của dân số trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có sự thay đổi, mức sinh cao nhất vẫn thuộc về nhóm phụ nữ từ 20-24 tuổi. Tuy nhiên, nếu so với năm 2009 thì năm 2019 lại có sự dịch chuyển về nhóm phụ nữ có mức sinh cao thứ hai từ nhóm 25-29 tuổi sang nhóm 15-19 tuổi, điều này cho thấy phụ nữ trên địa bàn tỉnh sau mười năm có xu hướng sinh con sớm hơn, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.

          Năm 2019, ASFR ở khu vực thành thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh có sự khác biệt khá rõ rệt. Ở nhóm tuổi 15-19 tuổi và 20-24 tuổi, ASFR của khu vực thành thị sinh thấp hơn khá nhiều so với khu vực nông thôn, số liệu tương ứng của hai nhóm tuổi ở hai khu vực là: 41 con/phụ nữ, 143 con/phụ nữ và 132 con/phụ nữ, 181 con/phụ nữ. Ở nhóm 25-29 tuổi, 30-34 tuổi thì ASFR của khu vực thành thị lại cao hơn so với khu vực nông thôn. Các nhóm 35-39 tuổi, 40-44 tuổi và 45-49 tuổi, ASFR khu vực nông thôn lại cao hơn khu vực thành thị. Kết quả này cho thấy, phụ nữ khu vực thành thị thường sinh con nhiều nhất trong khoảng 20-29 tuổi, trong khi đó khu vực nông thôn phụ nữ thường sinh con sớm hơn, tập trung nhiều nhất trong khoảng 15-19 tuổi. Điều này có thể là do phụ nữ ở khu vực nông thôn không có nhiều cơ hội để theo học trình độ cao hơn như phụ nữ ở khu vực thành thị nên họ thường kết hôn sớm hơn và sinh con sớm hơn ở khu vực thành thị; hoặc có thể do phong tục, tập quán tại vùng nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn hiện tượng tảo hôn nên dẫn đến phụ nữ ở khu vực nông thôn sinh con sớm.

          Một điểm khác trong Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 có mở rộng khoảng tuổi thu tập thông tin về lịch sử sinh sản so với các cuộc Tổng điều tra trước đó từ 15-49 tuổi lên 10-49 tuổi. Kết quả năm 2019 cho thấy, có 15% phụ nữ trên địa bàn toàn tỉnh trong độ tuổi từ 10-17 tuổi sinh con trong 12 tháng trước thời điểm điều tra. Khu vực thành thị tỷ lệ này là 6,5%, còn khu vực nông thôn là 16,6%, cao gấp 2,5 lần so với khu vực thành thị. Kết quả này càng cho thấy khu vực nông thôn phụ nữ nông thôn có xu hướng sinh con sớm hơn phụ nữ ở khu vực thành thị.

          Tỷ suất sinh thô (CBR)

          CBR biểu thị số trẻ em sinh ra sống trong thời kỳ nghiên cứu, thường là 12 tháng trước thời điểm điều tra, tính bình quân trên 1.000 dân có đến thời điểm điều tra. Tỷ suất này tính trên toàn bộ dân số (bao gồm cả những người có khả năng sinh con và không có khả năng sinh con).

          Kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 cho thấy, CBR của dân số Hà Giang là 18,3 trẻ sinh sống/1.000 dân, cao hơn của cả nước là 2 trẻ sinh sống/1.000 dân. CBR của khu vực nông thôn là 19,1 trẻ sinh sống/1.000 dân, cao hơn 0,8 điểm phần nghìn so với CBR chung toàn tỉnh và cao hơn 4,9 điểm phần nghìn so với CBR của khu vực thành thị.

          Sau mười năm (2009 - 2019), CBR chung cũng như của cả hai khu vực thành thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh giảm rõ rệt. So với năm 2009, năm 2019 CBR chung toàn tỉnh giảm 7,95 điểm phần nghìn; CBR khu vực thành thị giảm 4,82 điểm phần nghìn; CBR khu vực nông thôn giảm 8,17 điểm phần nghìn.

          Xem xét theo vùng cho thấy, các huyện vùng núi cao phía Bắc của tỉnh (Đồng Văn, Mèo Bạc, Yên Minh, Quản Bạ) có CBR cao nhất trong tỉnh, giao động từ 19 đến dưới 26 điểm phần nghìn; tiếp đến là khu vực các huyện vùng núi cao phía Tây (Hoàng Su Phì, Xín Mần), CBR giao động từ 14 đến dưới 21 điểm phần nghìn; và thấp nhất là khu vực các huyện/thành phố còn lại (Thành phố, Bắc Mê, Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên), CBR giao động từ 16 đến dưới 19 điểm phần nghìn.

          Tỷ số giới tính khi sinh (SRB)

          SRB phản ánh cân bằng giới tính của số bé trai và số bé gái khi được sinh ra. Tỷ số này thông thường theo tự nhiên giao động khoảng 104 - 106 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào của SRB chệch khỏi mức sinh học bình thường đều phản ánh những can thiệp có chủ ý và sẽ làm ảnh hưởng đến sự mất cân bằng tự nhiên, đe dọa sự ổn định của dân số trên địa bàn tỉnh nói riêng và dân số cả nước nói chung.

          SRB của dân số Hà Giang có xu hướng tăng sau 10 năm (2009 - 2019) và tăng cao hơn so với mức sinh học tự nhiên. Nếu năm 2009, SRB của dân số trên địa bàn tỉnh chỉ là 103,6 bé trai/100 bé gái thì đến năm 2019 SRB tăng lên là 108,6 bé trai/100 bé gái và bắt đầu tăng cao hơn so với mức sinh học tự nhiên, tuy nhiên mức độ tăng chưa cao và vẫn còn thấp hơn so với mức 111,5 bé trai/100 bé gái của cả nước.

          SRB của khu vực thành thị cao gấp hơn 1,6 lần của khu vực nông thôn, tương ứng là 166,3 và 100,8 bé trai/100 bé gái. Nếu xem xét theo huyện/thành phố thì thành phố Hà Giang có SRB cao nhất lên đến 208,3 bé trai/100 bé gái; tiếp đến huyện Bắc Mê với SRB là 131,3 bé trai/100 bé gái; huyện Bắc Quang với SRB là 129,6 bé trai/100 bé gái; huyện Xín Mần với SRB là 115,5 bé trai/100 bé gái; …Ngược lại, các huyện Vị Xuyên, Mèo Vạc lại có số bé gái cao hơn số bé trai sinh ra trong 12 tháng qua, số liệu SRB tương ứng của hai huyện là: 85,0 và 91,6 bé trai/100 bé gái. Kết quả trên cho thấy có sự gia tăng bất thường về SRB của khu vực thành thị và đặc biệt là trên địa bàn thành phố Hà Giang. Câu hỏi đặt ra đối với các nhà quản lý cũng như làm chính sách ở đây là liệu có hay không có sự can thiệp để lựa chọn giới tính thai nhi trước khi sinh? Việc lựa chọn giới tính trước khi sinh nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới sâu sắc. Do đó, các nhà quản lý cũng như làm chính sách cần theo dõi chặt chẽ các diễn biến của SRB để từ đó đưa ra các giải pháp can thiệp kịp thời về chính sách và chương trình.

          Như vậy, sau 10 năm (2009 - 2019) thì mô hình sinh của dân số trên địa tỉnh vẫn ổn định, mức sinh vẫn cao hơn so với cả nước và đang từng bước tiệm cận với mức sinh thay thế. Việc nghiên cứu và đưa ra những nhận định, đánh giá về thực trạng mức sinh và sự thay đổi mức sinh của dân số trên địa bàn tỉnh Hà Giang qua kết quả hai cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 và 2019, đặc biệt là trước thực trạng về SRB của khu vực thành thị cũng như địa bàn thành phố Hà Giang trên đây hy vọng sẽ góp phần tích cực cho các cơ quan chuyên môn, các nhà quản lý và làm chính sách dân số của tỉnh trong việc xây dựng chính sách quản lý, xây dựng các chương trình phát triển dân số hiệu quả hơn./.

CỤC THỐNG KÊ TỈNH HÀ GIANG

Tin khác

Tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp qua kết quả khảo sát các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Giang (25/06/2020 10:41)

THỰC TRẠNG HÔN NHÂN CỦA DÂN SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG NHÌN TỪ KẾT QUẢ TỔNG ĐIỀU TRA DÂN SỐ VÀ NHÀ Ở NĂM 2019 (24/06/2020 14:35)

Giá cả và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 năm 2020 (06/05/2020 15:24)

Giá cả và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 năm 2020 (10/04/2020 16:04)

Ứng dụng công nghệ, thu thập dữ liệu trực tuyến Điều tra doanh nghiệp 2020 (10/04/2020 10:02)

Điều tra doanh nghiệp năm 2020 - cần sự đồng hành của mỗi doanh nghiệp (25/03/2020 14:15)

Phương án Điều tra doanh nghiệp năm 2020 - Một số nội dung chủ yếu (25/03/2020 14:04)

Điều tra doanh nghiệp 2020: "Một số câu hỏi thường gặp và giải đáp" (23/03/2020 11:03)

Điều tra doanh nghiệp năm 2020 (20/03/2020 13:59)

Giá cả và chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 năm 2020 (11/03/2020 09:26)